Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diện mạo nông thôn mới đang hình thành

Quỳnh Dung| 22/10/2010 07:58

(HNM) - Xã Đại Áng huyện Thanh Trì là một trong 3 xã điểm của TP Hà Nội thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Mặc dù mới hơn 3 tháng triển khai xây dựng NTM theo đề án còn nhiều khó khăn, thách thức song với quyết tâm cao của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, diện mạo NTM đang hình thành trên quê hương Đại Áng.


14 công trình đang và sẽ triển khai


Xã Đại Áng (Thanh Trì) hôm nay.

Ông Nguyễn Bá Đông, Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết: Ngay sau khi được chọn làm điểm về xây dựng NTM, xã đã thành lập ban quản lý và bắt đầu triển khai củng cố hệ thống chính trị, phát triển hạ tầng KT-XH nông thôn, tổ chức sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa… Trước đó, Đảng ủy, UBND xã tổ chức các buổi họp dân ở từng thôn, công khai kế hoạch xây dựng NTM, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của dân. Sau đó, ban chỉ đạo NTM cấp xã tổng hợp ý kiến làm cơ sở xây dựng dự án đi đôi với công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác tham gia. Theo tiêu chí về NTM, trên địa bàn xã đã có 4/19 tiêu chí đạt như quy hoạch, an ninh trật tự được giữ vững, bưu điện, giáo dục; 5/19 tiêu chí gần đạt chuẩn theo quy định như hệ thống điện, hình thức tổ chức sản xuất, nhà ở dân cư… Tuy nhiên vẫn còn 10/19 tiêu chí chưa đạt như giao thông, thủy lợi, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động…

Tập trung vào chương trình xây dựng NTM, 14 công trình công cộng đã và đang triển khai thực sự đem lại niềm vui cho người dân như hệ thống đường giao thông trục chính liên thôn 3km, với kinh phí 4 tỷ đồng, dự kiến cuối tháng 10 sẽ khởi công xây dựng; đường giao thông nội đồng ở thôn Vĩnh Thịnh, kinh phí 4,5 tỷ đồng, dự kiến cũng khởi công cuối tháng 10. Hệ thống điện chiếu sáng nông thôn đang thi công với trị giá 2,2 tỷ đồng dự kiến cuối tháng 11 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng; nhà văn hóa ở thôn Vĩnh Thịnh và thôn Đại Áng đang triển khai xây dựng. Ngoài ra, xã đầu tư xây dựng mới hệ thống trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, dự kiến những công trình này sẽ hoàn thành vào quý IV năm 2011… Đồng thời, Đại Áng đã tổ chức họp và triển khai tới các chủ trang trại về việc xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp với du lịch sinh thái có diện tích 67ha, chuyển đổi 42ha sang trồng lúa cao sản… Các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn xã có dự án phải đền bù giải phóng mặt bằng nhưng đều nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, người dân xã Đại Áng cho biết: Ngay sau khi nghe cán bộ xã phổ biến về chương trình xây dựng NTM, tôi thấy chương trình sẽ mang lại cho xã diện mạo mới, người dân sẽ có điều kiện thuận lợi để giao lưu hàng hóa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hệ thống thủy lợi nội đồng được hoàn chỉnh tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, khi xã đồng loạt triển khai các dự án trong chương trình NTM, chúng tôi sẵn sàng tham gia.

Cần cơ chế đặc thù


Theo ông Nguyễn Bá Đông, được chọn triển khai thí điểm về NTM của thành phố đối với Đại Áng vừa là vinh dự, song cũng vừa là thách thức. Mặc dù xã chỉ cách trung tâm thành phố 15km nhưng do đường giao thông nhỏ hẹp, lầy lội lại là đường độc đạo nên Đại Áng được ví như "vùng đất bị lãng quên" trong nhiều năm. Là xã vùng trũng; cơ sở hạ tầng nhất là giao thông, hệ thống thủy lợi hầu hết là đường đất, cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, văn hóa chưa được đầu tư đồng bộ, thu nhập bình quân của người dân còn thấp, mới đạt khoảng 12 triệu đồng/người/năm do vậy việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Đảng bộ, nhân dân Đại Áng luôn xác định việc xây dựng NTM thành công là cơ hội tốt nhất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đưa Đại Áng từ một xã nghèo của huyện Thanh Trì vươn lên. Để chương trình NTM thành công, xã xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong dân, để người dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Mức đóng góp tùy theo điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình với nhiều hình thức như tiền, ngày công...

Với số vốn xây dựng NTM rất lớn, hơn 260 tỷ đồng, xã Đại Áng đề nghị thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn vốn như đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất có quy mô trên 5.000m2 thành phố điều tiết tỷ lệ để lại ngân sách xã 80%. Đối với xử lý đất xen kẹp đất giãn dân, đền bù quỹ đất công và xử lý tồn tại để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đề nghị thành phố để lại 100% cho xã. Đối với một số diện tích đất công thuận tiện giao thông, cấp trên tạo điều kiện cho xã quy hoạch thành khu dịch vụ, làng nghề, phát triển ngành nghề mới thu hút lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo nông thôn mới đang hình thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.