Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diện mạo mới từ phong trào Saemaul Undong

Xuân Quang| 01/09/2011 07:20

Đoàn cán bộ Bộ NN&PTNT và lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố gồm 30 người đi tìm hiểu xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Hàn Quốc, hết sức ngỡ ngàng, thán phục về thành tựu và kết quả của phong trào Saemaul Undong (Làng mới) đã mang lại cho Hàn Quốc diện mạo mới.

Từ một quốc gia bị thuộc địa đến tận cuối thế kỷ XIX xuất phát điểm là một nước nghèo, để trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, Hàn Quốc đã khẳng định sức mạnh diệu kỳ. Nền tảng cho sự phát triển đó chính là từ phong trào Saemaul Undong, mô hình làng mới đặc sắc Hàn Quốc.

Sự hình thành Saemaul Undong

Trong cảnh bần hàn đến tột cùng cuối những năm 60 của thế kỷ XX, nền kinh tế thuần nông lại gặp lũ lụt rồi hạn hán, nhiệm vụ duy nhất đặt ra cho Chính phủ Hàn Quốc lúc đó là đẩy lùi nạn đói nghèo. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất khởi động năm 1962 với mục tiêu bằng mọi cách tập trung phát triển nông nghiệp nâng cao sản lượng lương thực. Năm 1970, nền kinh tế Hàn Quốc đã có dấu hiệu tăng trưởng, lúc đó 80% hộ nông dân có nhà lợp mái rạ, 27% dân số có điện, tỷ lệ đói nghèo chiếm 34%. Bối cảnh đó buộc Chính phủ và người dân phải hành động, bởi trận lụt khủng khiếp năm 1969 người dân phải tự lực cánh sinh sửa đường, sửa nhà, làng xóm... nên Chính phủ nhận ra rằng hỗ trợ của Nhà nước chẳng có ý nghĩa gì nếu dân không quyết tâm, tự lực và thiếu sự phối hợp, liên kết hỗ trợ lẫn nhau. Đó chính là sự khai sinh ý tưởng phát triển NTM. Ông Hoang Chang, Viện Nghiên cứu đào tạo Saemaul Undong Hàn Quốc cho biết, Chính phủ đã nhận thấy tiềm lực của phong trào NTM nhưng không lấy đâu ra tiền để hỗ trợ nông thôn mà chỉ có khoản vốn nhỏ giọt gói gọn cho một số dự án làm điểm như nâng cấp hệ thống kênh mương, cứng hóa đường giao thông, giếng nước công cộng... Và thế là Chính phủ quyết định hỗ trợ vốn mồi nhằm tạo sự kích thích, thi đua giữa các làng, xã hưởng ứng phong trào. Năm 1971, tổng số 33.267 làng (làng có 150-200 hộ, tương đương thôn ở nước ta), mỗi làng được cấp miễn phí 355 bao xi măng, giao cho người đứng đầu của làng bàn với dân tự quyết định phương án sử dụng việc cần thiết sẽ ưu tiên làm trước. Người dân đóng góp ngày công, hiến đất làm đường để mở rộng, nâng cấp đường giao thông làng, xã. Kết quả sau một năm, hơn một nửa tổng số làng có sự cải thiện đời sống, nên năm 1972, Chính phủ chọn ra 1.600 làng làm tốt để đầu tư tăng cho một làng thêm 500 bao xi măng và 1 tấn sắt thép theo phương châm hỗ trợ những làng biết vượt lên khó khăn, cán bộ tâm huyết, nhân dân hưởng ứng tốt. Bộ mặt nông thôn thay đổi, họ thi đua cải tạo nhà mái lá bằng mái ngói, đường giao thông được mở rộng, nâng cấp, những ngôi làng phát triển với tốc độ nhanh, người dân đã lấy lại sự tự tin. Vào năm thứ 3 (năm 1973), Chính phủ rà soát lại tùy theo mức độ phát triển, để hỗ trợ theo cấp độ, làm tốt thì được hỗ trợ nhiều, làm kém thì không được hỗ trợ. Đây chính là động lực thúc đẩy thành phong trào, nhiều dự án môi trường, công trình xã hội như nhà văn hóa, khu giải trí, hệ thống cấp nước được xây dựng mới.

Chặng đường 3 năm thật ngắn nhưng thành công rất lớn. Cùng với sự phát triển hạ tầng và tăng cường các cơ sở đào tạo nghề nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống nông thôn đã nâng cao rõ rệt, mang dấu hiệu của đô thị. Bước ngoặt của Hàn Quốc vào năm 1974 khi thu nhập ở nông thôn vượt thành phố.

Hoạt động của Saemaul Undong

Ông Nam Đông Ích, Cơ quan phát triển nông thôn Hàn Quốc lý giải, phong trào Saemaul Undong thực chất là cuộc cách mạng tinh thần, đánh thức khát vọng của nông dân. Đó chính là cuộc đấu tranh để vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn không chỉ cho một cá nhân mà vì lợi ích của toàn xã hội. Phương châm của phong trào này được xây dựng trên 3 trụ cột là tận tâm (cần cù), tự lực và hợp tác. Đây cũng là 3 nguyên tắc cơ bản, là những giá trị xuyên suốt quá trình phát triển của Hàn Quốc, đưa đất nước từ thu nhập 85 USD năm 1969 trở thành nước có thu nhập trên 20.000 USD/người hiện nay. Ông Nam Đông Ích giải thích thêm, tận tâm phải đi đầu, cần cù chăm chỉ dẫn tới niềm tin và sẽ thành công. Tự lực khẳng định sự nỗ lực của chính mình, mỗi người đều phải tự làm chủ số phận của mình không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ từ người khác và hợp tác được dựa trên sự lớn mạnh của cộng đồng - sự liên kết, phối hợp tạo nên sức mạnh.

Mô hình Saemaul Undong triển khai theo hình thức Chính phủ phát động, lãnh đạo đường lối, ban hành cơ chế, chính sách lớn, giao quyền tự chủ cho làng xã, Bộ Nội vụ chủ trì cùng với các cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm các lĩnh vực liên quan. Mỗi xã có một ban chuyên trách, mỗi làng có một người đứng đầu và nhóm giúp việc tập trung lo công việc. Ông Kim Nhông Đức, Viện Nghiên cứu nông thôn Hàn Quốc khẳng định yếu tố quyết định thành công của phong trào là đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Mọi tiêu chí lựa chọn dự án đều xuất phát từ lợi ích thiết thực của người dân, việc gì cần thì bàn bạc làm trước và làm để mọi người được hưởng lợi lâu dài.

Phong trào Saemaul Undong thắng lợi khẳng định công sức của người lãnh đạo làng xã và sự thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân, tạo niềm tin vào tương lai. Làng nọ học làng kia nhờ chính sách khyến khích cạnh tranh, làng làm tốt được tăng hỗ trợ, khi thăng hạng được thưởng 2.000 USD, áp dụng thưởng phạt công minh đã xua đi sự ỷ lại, tự ty, kích thích lòng tự hào thi đua làm giàu đẹp quê hương mình. Tổng thống Hàn Quốc đặt ra "Giải thưởng Saemaul" tôn vinh những người xuất sắc hằng năm, Chính phủ chọn những làng điển hình để Tổng thống gặp mặt, trao giải thưởng. Những kinh nghiệm về huy động nội lực của người dân từ phong trào Làng mới của Hàn Quốc là vô cùng quý báu để TP Hà Nội nghiên cứu tìm ra giải pháp hay phù hợp trong chương trình xây dựng NTM hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo mới từ phong trào Saemaul Undong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.