Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diện mạo mới ở thành phố mang tên Bác

Hà Tuấn| 30/04/2017 06:52

(HNM) - 42 năm qua, kể từ sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2017), TP Hồ Chí Minh đã có sự đổi mới mạnh mẽ, phát triển năng động.

TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm kết nối liên vùng.


Đổi thay từng ngày

Tuyến đường Phạm Văn Đồng (trước đây gọi là Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) chính thức thông toàn tuyến cuối tháng 8-2016, với 12 làn xe, được coi là tuyến đường nội đô đẹp nhất TP Hồ Chí Minh, kết nối Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với quốc lộ 1A và 1K, tạo hướng giao thông mới nối các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Chứng kiến sự "thay da đổi thịt" ở vùng đất rộng lớn dọc tuyến đường này, ông Nguyễn Hồng Quân (ngụ tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức) chia sẻ: “Nếu như trước kia, nơi đây chỉ là những vùng dân cư nhà cửa xập xệ, thưa thớt với đủ thứ tệ nạn, tưởng chừng mãi là "xóm nước đen", thì hôm nay, đời sống dân cư dọc tuyến đường đã thay đổi nhanh chóng. Đó là những nhà hàng sang trọng mọc lên dày đặc, các khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu chung cư cao tầng được xây dựng nối tiếp nhau, đời sống cư dân khá hơn, nhà cửa khang trang hơn do sự giao thương kinh tế thuận lợi”.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - đường - cảng TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng loạt công trình giao thông mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng được đưa vào khai thác mang lại hiệu quả thiết thực trong những năm qua như: Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt (trước gọi là Đại lộ Đông Tây), Phạm Văn Đồng, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn…

Không chỉ vậy, tính kết nối liên vùng cũng được đẩy mạnh bằng việc nâng cấp, mở rộng và xây dựng các tuyến đường trục chính cửa ngõ như: Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 22, quốc lộ 1, quốc lộ 13, đường Xuyên Á, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… cùng hệ thống đường Vành đai, đường trục Bắc - Nam... Theo ông Hà Ngọc Trường, điều đặc biệt ở thành phố về đầu tư hạ tầng là các công trình hạ tầng giao thông có tính kết nối khép kín với nhau giúp giao thông thông suốt, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh của một đô thị lớn nhất cả nước.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đầu tư hoàn thành hàng loạt cầu vượt kết cấu thép, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các nút giao thông vốn là "điểm nóng" về tắc nghẽn nhiều năm như ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn - Cộng Hòa, 3/2 - Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ, vòng xoay Cây Gõ…

Nhìn lại chặng đường 42 năm (1975 - 2017) xây dựng và phát triển của ngành GTVT TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT thành phố khẳng định, hệ thống hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo và tầm vóc thành phố, cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện thức hóa những "giấc mơ"

Hạ tầng giao thông ở TP Hồ Chí Minh được đầu tư mở rộng.


Không dừng lại ở những công trình trên, hàng loạt dự án giao thông, khu đô thị lớn ở TP Hồ Chí Minh cũng đang và sẽ được đầu tư để lấy lại ngôi vị "hòn ngọc Viễn Đông". Điển hình nhất là tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, tạm gọi là Metro), một phương thức vận tải công cộng khối lượng lớn hiện đại sẽ đi vào hoạt động năm 2020. Hiện nay, khi chúng ta đi dọc tuyến đường từ ga Tân Cảng (song song với cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh) đến ga Suối Tiên (quận 9), đặc biệt là nhà ga ngầm Nhà hát thành phố đến chợ Bến Thành (quận 1), hình hài toàn tuyến dần hiện ra rõ nét. Không bao lâu nữa, “giấc mơ” Metro sẽ trở thành hiện thực đối với mỗi người dân thành phố.

Tuyến Metro sẽ đóng vai trò xương sống và trở thành mạch máu của hệ thống giao thông đô thị, góp phần chỉnh trang đô thị, quy hoạch vùng và phân bố lại dân cư phù hợp hơn. Ngoài ra, các tuyến Metro khác như: tuyến số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương); tuyến số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) cũng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng. Song song đó, tuyến xe điện mặt đất (Tramway) số 1 và tuyến tàu điện 1 ray trên cao (Monorail) số 2 và 3, đang được TP Hồ Chí Minh xúc tiến kêu gọi đầu tư. Khi hoàn thành, các tuyến vận tải khối lượng lớn này không chỉ giảm tải giao thông cá nhân mà còn kết nối chặt chẽ và khép kín với các loại hình giao thông hiện hữu khác, góp phần chỉnh trang đô thị một cách mạnh mẽ.

Cùng với đó là đầu tư xây dựng các bãi xe ngầm để giải quyết "bài toán" trầm kha về giao thông tĩnh. Trong đó, khu trung tâm thành phố sẽ xây dựng 4 bãi đậu xe ngầm (gồm: Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, Công viên Tao Đàn và Sân vận động Hoa Lư), dự kiến xây dựng giai đoạn 2017-2020; dự án xây dựng 2 bến xe lớn nhất TP Hồ Chí Minh là Miền Đông và Miền Tây, riêng giai đoạn 1 của Bến xe Miền Đông sẽ hoạt động năm 2017; dự án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam, mà tiêu biểu là hạng mục cầu Bình Lợi…

Đường bộ là vậy còn với đường không, dự án nâng cấp, mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất tại TP Hồ Chí Minh cũng đang được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với Sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) sau khi hình thành, sẽ giúp ngành Hàng không thực sự “cất cánh”. Để “đi trước một bước”, hạ tầng giao thông kết nối 2 sân bay và liên vùng cũng được chủ động đầu tư xây dựng. Cụ thể, ngoài cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang hoạt động, các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, hệ thống đường Vành đai 3, Vành đai 4…, cũng đã, đang và sẽ được Bộ GTVT, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An, phối hợp triển khai thực hiện.

Tất cả hướng tới mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh thực sự là đầu mối giao thông trọng điểm vùng, kết nối với khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo mới ở thành phố mang tên Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.