Xã hội

Diện mạo mới ở Gia Lâm

Bài, ảnh: Ánh Dương, Quang Thái 28/11/2023 - 17:47

Hướng tới mục tiêu trở thành quận văn minh, hiện đại của Thủ đô, cả hệ thống chính trị huyện Gia Lâm tập trung công tác đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí.

Nhờ đó, đến nay, Gia Lâm đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận; hoàn thành Đề án thành lập quận và Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập quận, phường thuộc huyện Gia Lâm để trình các cấp có thẩm quyền bảo đảm kế hoạch thành phố giao.

Cùng với đó, Gia Lâm tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó các năm 2021, 2022, 2023, huyện thu ngân sách nhà nước đạt bình quân 5.284 tỷ đồng/năm, bằng 111,3% dự toán thành phố giao, bằng 109,6% dự toán huyện đề ra; giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 10,27%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cụ thể: Dịch vụ 45,7%; công nghiệp, xây dựng 47,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,8%.

Hiện tại, Gia Lâm có 15/20 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Phù Đổng, Yên Viên, Dương Xá, Bát Tràng, Cổ Bi, Đình Xuyên, Đặng Xá, Phú Thị, Đa Tốn, Văn Đức, Lệ Chi, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Dương Hà), 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Cổ Bi, Phù Đổng, Dương Xá). Huyện cũng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị thành phố công nhận 5 xã chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch năm 2023. Đồng thời, Đoàn thẩm tra thành phố đã thẩm định, đánh giá kết quả, chỉ đạo huyện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định để được xét công nhân huyện đạt nông thôn mới nâng cao...

Những đổi thay mạnh mẽ về kinh tế - xã hội đã giúp diện mạo các xã, thị trấn của Gia Lâm ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao với thu nhập bình quân 75,7 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2020, Gia Lâm không còn hộ nghèo, đến cuối năm 2023, huyện chỉ còn 147 hộ cận nghèo (chiếm 0,18% tổng số hộ dân cư toàn huyện).

duong-xa-gl.jpg
Xã Dương Xá có thôn Thuận Quang nổi tiếng với nghề sản xuất và kinh doanh hành, tỏi, cho giá trị sản xuất đạt 132,54 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thôn đạt 78,84 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung toàn xã. Năm 2022, Dương Xá đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng thành công thôn thông minh Thuận Quang. Hiện, Dương Xá tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới thông minh đầu tiên của thành phố Hà Nội.
gom-bat-trang.jpg
Nghề làm gốm sứ ở Bát Tràng có từ lâu đời. Xã có hàng trăm hộ làm nghề, hàng chục doanh nghiệp lớn sản xuất và kinh doanh gốm sứ, đóng góp quan trọng cho ngân sách của địa phương, thu hút và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; thu nhập bình quân toàn xã năm 2023 đạt 86,4 triệu đồng/người/năm. Bát Tràng đang được huyện hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố xem xét, ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
dien-mao-bat-trang.jpg
Diện mạo mới, hiện đại ở Bát Tràng.
duong-xanh-vinhome-ocean-park.jpg
Các tuyến đường "xanh" ở Khu đô thị Vinhomes Ocean Park - Gia Lâm tạo nên cảnh quan sạch, đẹp, hiện đại.
hoa-phu-dong.jpg
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Phù Đổng hiện có gần 500 hộ trồng cây hoa giấy, cho hiệu quả kinh tế cao. Các hộ cũng nhanh nhạy lai tạo, uốn ghép thành nhiều kiểu dáng đổ, trực, hoành, huyền, các thế cây độc đáo như "phụ tử nghinh phong", "mẫu tử", "huynh đệ", "ngũ phúc"..., đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó, đã tạo nên thương hiệu "Cây cảnh hoa giấy Phù Đổng". Xã còn có 30 sản phẩm hoa giấy bonsai, hoa giấy ngũ sắc đạt OCOP 3 sao.
quy-vang-kieu-ky.jpg
Trải qua hơn 300 năm lịch sử, năm 2021, nghề dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn xã hiện có 29 hộ đang gìn giữ, phát huy nghề truyền thống. Doanh thu từ nghề đã giúp nâng thu nhập bình quân toàn xã lên 72,67 triệu đồng/người/năm. Xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hoàn thành các tiêu chí phường.
rau-thuy-canh-da-ton.jpg
Tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Gia Lâm đang duy trì và phát triển 43 vùng chuyên canh với 1.693,5ha sản xuất rau, quả an toàn; 415,73ha sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình là mô hình trồng rau thủy canh tại xã Đa Tốn, quy mô 1ha, cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
cong-nghiep.jpg
Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, từ năm 2020 đến nay, Gia Lâm có hơn 1.800 doanh nghiệp thành lập mới. Toàn huyện hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 14.000 hộ kinh doanh cá thể, 30 hợp tác xã dịch vụ đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 26.000 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo mới ở Gia Lâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.