Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diện mạo mới cho giao thông Thủ đô

An Trân| 14/07/2012 06:12

(HNM) - Với những mục tiêu như đến năm 2015 Hà Nội sẽ giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại; tới năm 2050, sẽ xây dựng sân bay quốc tế thứ hai cho vùng Thủ đô, 8 tuyến đường sắt đô thị, thêm 9 tuyến xe buýt nhanh..., hai nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015 và Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua sáng 13-7 là tiền đề nhằm mang lại bức tranh mới cho giao thông Thủ đô.

Đường trên cao vành đai 3 khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng

Xây dựng sân bay quốc tế thứ hai cho Vùng Thủ đô

Nghị quyết về Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được thông qua được đánh giá là bức tranh tổng thể về giao thông Thủ đô trong tương lai. Ưu tiên cho phát triển giao thông, TP đã dành 33.237ha đất để phát triển các loại hình giao thông. Ước tính, tổng nhu cầu vốn cho cả 4 loại hình giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, sân bay) lên tới con số khổng lồ: 1.145.043,9 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, nguồn vốn thực hiện quy hoạch sẽ được huy động tổng hợp từ các nguồn như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại...

Đáng chú ý, về hạ tầng giao thông, TP tập trung phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị để bảo đảm tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20-26% đất xây dựng đô thị. Trong vận tải hành khách công cộng, Thủ đô tập trung ưu tiên cho phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để bảo đảm thị phần khu vực đô thị trung tâm năm 2020 chiếm 35% tổng lượng hành khách, năm 2030 khoảng 50-55%, sau 2030 đạt 60-65%; các đô thị vệ tinh năm 2020 chiếm 20%; năm 2030 khoảng 40%, sau 2030 đạt tối đa 50%.

Hà Nội sẽ hình thành hệ thống đường sắt đô thị bao gồm 8 tuyến, xây dựng 5 cầu cho đường sắt đô thị qua sông Hồng, quy hoạch 9 tuyến xe buýt nhanh có độ dài từ 14,3 đến 53,2km. Đặc biệt, quy hoạch cũng đề cập tới định hướng xây dựng sân bay quốc tế thứ hai cho Vùng Thủ đô tại Tiên Lãng - Hải Phòng.

Cơ sở hạ tầng giao thông Thủ đô trong thời gian tới sẽ được chú trọng đầu tư.
 Ảnh: Đàm Duy

Năm 2015, giảm 40% thời gian ùn tắc

Bên cạnh quy hoạch định hướng lâu dài, HĐND TP cũng chú trọng giải quyết bức xúc đang đặt ra trong lĩnh vực GTVT đó là thông qua Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015. Chương trình được các đại biểu HĐND TP đánh giá là đã đưa ra được các biện pháp thiết thực, cụ thể cho một "căn bệnh kinh niên" chưa có thuốc giải hữu hiệu của Hà Nội.

Với quyết tâm giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại trong giai đoạn 2012-2015 và duy trì không để phát sinh điểm ùn tắc mới, đại biểu Nguyễn Đình Dương (tổ Từ Liêm) ghi nhận, các mục tiêu đưa ra khoa học, phù hợp với thực tiễn giao thông Thủ đô.

Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, Hà Nội sẽ quan tâm đến công tác tổ chức quản lý và điều hành giao thông. Theo đó, sẽ cải tạo, lắp đặt hệ thống camera tại 200 nút giao nhằm giám sát tình trạng ùn tắc giao thông, tình trạng vi phạm của phương tiện để phục vụ cho việc xử lý các vi phạm bằng hình ảnh. Đồng thời, tổ chức lắp đặt đèn điều khiển tín hiệu giao thông độc lập tại một số nút có mật độ phương tiện qua lại cao, kết hợp với lắp đặt camera giám sát giao thông có kết nối với Trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông chung của TP. Dự kiến giai đoạn 2012-2015 sẽ lắp đèn điều khiển giao thông độc lập tại 40 nút. Cũng trong 3 năm tới, TP sẽ cải tạo, sửa chữa 40 nút và tuyến đường; cải tạo, vuốt nối 20 vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt; xây dựng khoảng 8 cầu qua sông, trong đó có mở rộng cầu Định Công, cầu Đền Lừ; xây dựng 8 cầu vượt kết cấu thép tại một số nút giao thông thường xuyên ùn tắc như: nút Kim Mã - Liễu Giai, Bạch Mai - Đại Cồ Việt, nút Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương...

Hà Nội cũng đặt quyết tâm từng bước di chuyển các bến xe ra ngoài trung tâm, không để xe ô tô khách ngoại tỉnh qua TP vào bến xe nội đô. Đặc biệt, sẽ không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô theo quy hoạch; di chuyển dần các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm theo đúng lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất này dành cho giao thông. Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2012-2015 là 1.944 tỷ đồng.

Với nội dung và lộ trình cụ thể, hai nghị quyết về giao thông được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho hệ thống giao thông Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo mới cho giao thông Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.