Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tựa truyền thống, động lực tương lai

Quốc Bình| 01/11/2014 06:34

(HNM) - Ngày 1-11-1949, Hội nghị Thường vụ TƯ Đảng đã quyết định thành lập Phòng công tác Lào-Miên, đó là cơ quan chuyên trách về đối ngoại Đảng đầu tiên của Đảng ta và là tiền thân của Ban Đối ngoại TƯ ngày nay.



65 năm qua, cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, công tác đối ngoại Đảng đã tạo thành ba trụ cột vững chắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng đất nước.

Đối ngoại Đảng góp phần quan trọng vào thắng lợi của Hội nghị Genève. Ảnh tư liệu


Vai trò tiên phong

Phòng công tác Lào-Miên đã trở thành nòng cốt xây dựng quan hệ hợp tác, củng cố và phát huy liên minh kháng chiến ba nước Đông Dương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đó, công tác đối ngoại Đảng ngày càng rõ nét. Dấu ấn nổi bật của đối ngoại Đảng trong những năm đầu là đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn đàm phán của Hội nghị Genève năm 1954.

Quá trình hình thành Ban Đối ngoại TƯ trải qua các tên gọi khác nhau, từ Phòng công tác Lào-Miên, Ban Lào-Miên TƯ (1955), Ban Liên lạc đối ngoại TƯ (1958) đến Ban Công tác đối ngoại TƯ (1960). Mỗi lần chuyển đổi tên gọi, vai trò, vị trí công tác đối ngoại của Đảng ngày càng được khẳng định, có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác đối ngoại Đảng đã phối hợp chặt chẽ với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp nước ta tăng cường quan hệ với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, các nước độc lập dân tộc, các lực lượng tiến bộ, hòa bình trên thế giới. Đây là cơ sở hình thành mặt trận nhân dân thế giới lớn chưa từng có, ủng hộ, giúp đỡ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nước ta. Nói về vai trò của Ban Đối ngoại TƯ trong thời kỳ này, nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định: "Đứng trước mỗi quyết định quan trọng về đường lối, chính sách đối ngoại thì đối ngoại Đảng luôn đi trước, đi tiên phong".

Sau chiến thắng 30-4-1975, Ban Đối ngoại TƯ cùng với Bộ Ngoại giao, các tổ chức đối ngoại nhân dân tham gia tái thiết đất nước. Ba trụ cột đã phối hợp chặt chẽ để mở mang, thúc đẩy mối quan hệ với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và lực lượng tiến bộ trên thế giới. Hoạt động ngoại giao Đảng thời kỳ này đã góp phần giúp đất nước từng bước vượt qua khó khăn về khủng hoảng kinh tế, học hỏi kinh nghiệm đổi mới, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước; chống lại và tiến tới xóa bỏ chính sách bao vây cấm vận của Mỹ.

Nguyên Phó Trưởng ban Đối ngoại TƯ Nguyễn Mạnh Hùng: "Đằng sau mỗi Chính phủ ở tất cả các nước trên thế giới đều có một chính đảng hoặc liên minh của một vài chính đảng hậu thuẫn mà người ta gọi là đảng cầm quyền hoặc liên minh cầm quyền. Các chính khách hàng đầu ở các nước đều là đảng viên hoặc là người chịu ảnh hưởng của những chính đảng nhất định ở nước họ. Do vậy, nếu ta làm tốt công tác đối ngoại Đảng, thì đây sẽ là một kênh rất quan trọng và hiệu quả để xử lý các vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước".

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Ban Đối ngoại TƯ đã phối hợp chặt chẽ với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, góp phần quan trọng tạo những chuyển biến to lớn, tích cực về mọi mặt, làm cho vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao, quan hệ của Đảng ta ngày càng được mở rộng. Từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, công tác đối ngoại của Đảng tiếp tục mở rộng và đạt nhiều thành tựu mới. Hiện nay, Đảng ta có quan hệ với hơn 200 chính đảng ở 114 nước, trong đó có hơn 100 đảng cộng sản và công nhân, gần 50 đảng cầm quyền.

Tiếp tục đổi mới

Trong thế giới toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ hiện nay, công tác đối ngoại có ý nghĩa mấu chốt bảo đảm cho đất nước phát huy sức mạnh nội lực và sức mạnh bên ngoài, hội nhập thành công. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đối ngoại nói chung và đối ngoại Đảng nói riêng là phải phối hợp, nắm bắt thật tốt tình hình, chủ động nghiên cứu tình hình, dự báo chiến lược và đề xuất chủ trương quyết sách đối ngoại kịp thời, hiệu quả. Mục tiêu của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời tiếp tục tranh thủ sự hợp tác ủng hộ của quốc tế cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Đối ngoại Đảng phải tạo nền tảng chính trị cho quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới, làm cơ sở cho quan hệ nhà nước cũng như các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Để đảm đương được nhiệm vụ đối ngoại Đảng hiện nay, Ban Đối ngoại TƯ đứng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trên mọi mặt. Một trong yêu cầu quan trọng nhất là Ban Đối ngoại TƯ cần không ngừng xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định: "Nếu hoạt động ngoại giao được ví như một cái cây cổ thụ thì cái gốc là công tác nghiên cứu, cái thân là giao tiếp, đàm phán, xử lý tình huống; còn các công việc nghiệp vụ như lễ tân, phiên dịch, tuyên truyền báo chí… là những cái cành, cái lá. Các cán bộ làm công tác đối ngoại, trong đó có cán bộ công tác tại Ban Đối ngoại TƯ, cần ra sức học tập, rèn luyện và trau dồi các kỹ năng đó để nhanh chóng trưởng thành và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao".

Truyền thống 65 năm lịch sử vẻ vang là nền tảng, hành trang để cán bộ làm công tác đối ngoại Đảng hôm nay tự tin vươn lên, đảm đương tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba bài học lịch sử

Nhìn lại lịch sử 65 năm công tác đối ngoại của Đảng, Trưởng ban Đối ngoại TƯ Hoàng Bình Quân cho biết, có ba bài học lớn trong công tác đối ngoại Đảng. Thứ nhất là, phải vận dụng "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Thứ hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó có sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của thời đại; sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, kết hợp hài hòa giữa đối ngoại kinh tế, đối ngoại quốc phòng - an ninh, văn hóa. Thứ ba là, bài học độc lập tự chủ trong bối cảnh chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập quốc tế.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa truyền thống, động lực tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.