Xã hội

Điểm tựa Bộ đội Cụ Hồ

Nguyên Hoa 12/09/2024 - 15:21

Trong những ngày mưa bão, lũ lụt và úng ngập, từ tuyến phố trung tâm đến ngõ nhỏ ở thôn, làng đều bắt gặp bóng dáng các chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Không nề hà bất cứ việc gì, ngay cả khi nguy khó nhất, các anh đang viết tiếp truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và lan tỏa nét đẹp người chiến sĩ Thủ đô trong thời đại mới.

eb2086d3d6823fdc6693-342625677.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Hoài Đức giải tỏa cây đổ sau bão số 3. Ảnh: Trung Nguyên

"Chúng tôi cảm nhận thật đầy đủ tình quân dân cá nước”

Khi cường độ bão số 3 suy giảm, mặc cho mưa vẫn trút xối xả, ngay trong đêm 7-9, Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã đã điều động dân quân tự vệ, dân quân thường trực kiểm tra hiện trường và phối hợp với các lực lượng khác thu dọn cây đổ, mở thông các tuyến đường phục vụ nhân dân đi lại.

“Để khắc phục hậu quả mưa bão, chúng tôi đã chủ động tham mưu với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các xã phát huy “4 tại chỗ”, huy động cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy quân sự huyện; 25 cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực, dân quân cơ động; 671 dân quân tại chỗ; phối hợp với 150 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308, Quân đoàn 12) và các lực lượng tại địa phương tham gia giải tỏa cây đổ, không để xảy ra ùn tắc giao thông”, Thượng tá Nguyễn Đỗ Tùng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai cho biết.

Hiện nay, mưa đã giảm song mực nước các sông lên cao, ảnh hưởng tới nhiều tuyến đê trên địa bàn thành phố, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô lại có mặt tại những điểm xung yếu cùng địa phương hộ đê, di chuyển người dân.

z5821820202380_80b514dcc353c13092877612c5c81b1c.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Hiền Phương

Trong đêm 10-9 rạng sáng 11-9, hơn 30 cán bộ, học viên Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp cùng chính quyền xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) hỗ trợ 115 hộ dân di dời nhiều tài sản, như: Tivi, tủ lạnh, gạo và các vật dụng có giá trị đến nơi an toàn.

Anh Nguyễn Văn Lương, xã Đường Lâm chia sẻ: “Nước lên nhanh nên tôi chỉ kịp đưa con đến nhà người thân, may có cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô đến hỗ trợ kê đồ đạc lên cao để gia đình yên tâm dời nhà đi tránh lụt”.

Cũng trong sáng 11-9, cán bộ, học viên nhà trường phối hợp với lực lượng dân quân và nhân dân xã Xuân Sơn giúp nhân dân thôn Lễ Khê thu hoạch gần 2ha lúa.

Nhìn các chiến sĩ chạc tuổi con mình thoăn thoắt gặt lúa rồi lại kéo chiếc bạt nhỏ thay cho thuyền chở những đon lúa còn chưa kịp chín hết đến nơi an toàn..., chị Lê Thị Tình, thôn Lễ Khê không khỏi xúc động: “Tôi rất cảm động, bởi các cháu quá vất vả, cả ngày dầm mình trong nước, lao động mệt mỏi nhưng ai cũng tươi vui. Vụ mùa này với gia đình tôi không năng suất, nhưng bù lại chúng tôi cảm nhận thật đầy đủ tình quân dân cá nước”.

z5821820203706_304dbe9dc13dce0a5acf36489d8cdb4e.jpg
Các chiến sĩ Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội dầm mình trong mưa bão để gặt lúa giúp dân. Ảnh: Hiền Phương

Mưa lớn cũng khiến cánh đồng của thôn thôn Viên Châu, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) chìm sâu trong nước. Chiều tối 10-9, đi thăm đồng, lúa mới chỉ ngập lưng cây, nhiều người trong thôn dự định đến sáng 11-9 sẽ gặt. Nhưng sáng hôm sau, nhìn cánh đồng trắng nước, nhiều người xót xa và tiếc nuối, bởi công sức mấy tháng trời đã bị mưa bão cướp mất chỉ trong một đêm.

Giữa lúc chưa biết xoay xở ra sao, bà con nhận được tin lực lượng dân quân xã và bộ đội Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh (Binh chủng Công binh) về hỗ trợ. “Nhà chỉ có mình tôi, chồng và con đi làm ăn xa, lại cấy 6 sào ruộng, 4 sào ngập không thể thu hoạch. Tôi mừng phát khóc khi 4 chú dân quân, bộ đội đến nhà gặp lúa giúp. Trong một ngày, với 5 người, tôi đã kịp thời thu vớt được 2 sào lúa”, chị Lê Thị Tùng, thôn Viên Châu, xã Cổ Đô nghẹn ngào.

Hai ngày qua, lực lượng vũ trang huyện Ba Vì phối hợp với các đơn vị quân đội chạy đua với thời gian, dầm mình trong mưa cứu được hàng trăm héc-ta lúa cho nhân dân. Ban Chỉ huy quân sự huyện huy động 100% quân số bộ đội thường trực; 100% quân số dân quân cơ động; dân quân các xã, thị trấn tỏa đi các hướng ngập cục bộ để phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ nhân dân di dời hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm đến nơi an toàn.

“Lực lượng vũ trang huyện và các đơn vị quân đội sẽ đồng hành giúp đỡ nhân dân cho đến khi nước rút và cuộc sống trở lại bình thường”, Thượng tá Đào Tuấn Hưng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì khẳng định.

z5822848840756_15611c2e4586c0f0ba21d9e30e38c569.jpg
Dân quân tự vệ quận Hà Đông cùng lực lượng chức năng dọn cây đổ sau bão. Ảnh: Hiền Phương

Vừa hoàn thành nhiệm vụ di chuyển nhân dân ở khu tập thể Cơ khí xây lắp số 7, xã Liên Ninh đến nơi an toàn trở về, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) Trần Văn Tiến chia sẻ: “Từ khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền ngày 7-9 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự xã hầu như thức trắng, ăn uống cũng chỉ qua loa, khi cái bánh, lúc bát mì trần…”.

“Đi trước về sau” giữ bình yên cho Thủ đô

Ngay khi nhận tin bão số 3 sẽ ảnh hưởng đến Hà Nội, với chức năng là cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, công tác hiệp đồng với các đơn vị quân đội được tăng cường; công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức triển khai các phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão… được lực lượng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lên phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Theo đó, toàn lực lượng tổ chức trực 100% quân số tại cơ quan, đơn vị; sẵn sàng hơn 300 phương tiện các loại, trong đó có 2 máy bay trực thăng và nhiều phương tiện chuyên dùng khác.

Lực lượng vũ trang quận Nam Từ Liêm cùng nhân dân gia cố đê điều trên địa bàn. Ảnh Hiền Phương.
Lực lượng vũ trang quận Nam Từ Liêm cùng nhân dân gia cố đê trên địa bàn. Ảnh: Hiền Phương

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, kiểm tra kế hoạch, phương án đã xác định cũng như kế hoạch hiệp đồng tổ chức sử dụng lực lượng đối với các đơn vị quân đội, công an đóng quân trên địa bàn để sẵn sàng triển khai thực hiện nhiệm vụ; thông báo hiệp đồng với các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thủ đô...

Tại những tuyến đê xung yếu trên địa bàn thành phố trong thời gian này, bất kể ngày hay đêm đều có lực lượng vũ trang Thủ đô túc trực làm nhiệm vụ.

Thượng tá Chu Minh Đạo, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận Nam Từ Liêm cho biết: “Chiều 11-9, hơn 80 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thiết giáp và Tiểu đoàn Đặc công 18 cùng dân quân địa phương tham gia chống ngập úng tại làng Miêu Nha, phường Tây Mỗ với quyết tâm không để xảy ra sự cố tràn đê”.

Tại huyện Đan Phượng, sau khi giúp địa phương di dời dân và tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn, 2 ngày nay, lực lượng vũ trang huyện đang cùng các lực lượng tổ chức gia cố đê bao ngoài sông tại xã Trung Châu. Nhờ đó, đoạn đê đã được bảo đảm chắc chắn. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy quân sự huyện đang tiếp tục tập kết đất đá, cọc tre, phương tiện, sẵn sàng xử lý nếu xảy ra tình huống bất thường.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã huy động 5.888 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và 26 phương tiện các loại tham gia cùng các địa phương khắc phục hậu quả sau bão; phối hợp với các địa phương di dời gần 500 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu thuộc các địa bàn bị ngập úng đến nơi an toàn.

z5822418554022_a7a1ae3851800f5e0e3ea1c6d0b2b705.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Trường Sĩ quan lục quân 1 tham gia khắc phục sự cố đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Hiền Phương

Từ chiều tối qua đến nay, tại nhiều địa phương của Hà Nội đã tạnh ráo. Thế nhưng, cảnh báo về tình hình ngập úng, lũ lụt vẫn liên tiếp được cơ quan chức năng đưa ra.

Ngay trưa nay (12-9), đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) xảy ra sự cố sạt trượt cơ đê với chiều dài 17m, hơn 100 cán bộ, học viên của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và hơn 40 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên thị xã Sơn Tây cùng các phương tiện đang khẩn trương khắc phục.

Có thể sẽ có những sự cố tương tự xảy ra trong vài ngày tới. Tuy nhiên, nêu cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, luôn sẵn lòng gác lại việc riêng để hoàn thành nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” - cứu hộ, cứu nạn mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô sẽ nguyện làm tròn nhiệm vụ “đi trước về sau” để giữ bình yên cho Thủ đô trong mọi tình huống…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa Bộ đội Cụ Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.