Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm thi cao, nguồn tuyển có tăng?

Quỳnh Phạm| 28/07/2013 06:06

(HNM) - Mặt bằng điểm thi cao tạo không khí phấn khởi chung dù điều đó không có tác động đáng kể đối với những trường lâu nay vẫn bảo đảm tuyển đủ chỉ tiêu.

Điểm chuẩn sẽ tăng ở nhiều trường

Chỉ trong vài ngày cuối tháng 7, các trường ĐH dồn dập công bố điểm thi. Những thống kê ban đầu cho thấy, mặt bằng điểm năm nay tăng đáng kể so với năm 2012 và kèm theo đó là dự kiến của nhiều trường về việc tăng mức điểm chuẩn, có khi lên tới 3-4 điểm. Ở các trường nhóm trên như ĐH Dược, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương rất nhiều bài thi đạt 9,5 điểm. Trường ĐH Bách khoa có tới 124 bài thi được chấm điểm 10 và dự kiến điểm chuẩn các ngành sẽ tăng từ 2 đến 3 điểm so với năm ngoái. Trường ĐH Dược cũng ghi nhận hiện tượng điểm thi tăng đột biến so với mọi năm. Trong số hơn 2.500 thí sinh dự thi, có tới 786 em có tổng điểm 3 môn từ 24 trở lên. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Hòa, với mức điểm thi tăng cao như vậy thì điểm chuẩn của trường chắc chắn sẽ tăng.

Các thí sinh làm bài thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Với các môn thi xã hội, Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Kim của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Điểm thi cho thấy thí sinh làm bài tốt hơn năm ngoái, dự kiến điểm chuẩn khối C và D có thể tăng thêm 0,5 điểm. Trong khi đó, với Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Dư đưa ra nhận định: Phổ điểm trung bình năm nay của thí sinh cao hơn năm ngoái 1-2 điểm. Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Khá nhiều bài thi đạt điểm 8 trở lên, môn toán khối D có rất nhiều thí sinh đạt điểm 10. Tại cơ sở phía Bắc của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Phó Giám đốc Lê Hữu Lập cho biết, điểm thi cao hơn hẳn các năm trước. Dự kiến điểm chuẩn khối A, A1 của hệ đào tạo sinh viên đóng học phí như các trường công lập từ 24 điểm trở lên (năm 2012: 20,5 điểm) và điểm chuẩn của đối tượng tự túc học phí cũng tăng 1-2 điểm so với năm 2012. Trường ĐH Điện lực cũng dự kiến lấy điểm chuẩn là 19 (cao hơn 3 điểm so với năm 2012).

Mở rộng nguồn tuyển

Ngay từ khi kết thúc các đợt thi ĐH, CĐ năm 2013, các chuyên gia đã nhận định, mặt bằng điểm năm nay sẽ cao bởi đề thi "dễ chịu" ở tất cả khối thi. Điều này phù hợp với chủ trương của Bộ GD-ĐT trong việc ra đề, đó là nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, không đánh đố thí sinh, có sự phân loại và bảo đảm cho thí sinh trung bình cũng có thể làm được bài.

Nếu như mặt bằng điểm thi tăng cao không tác động nhiều tới các trường thuộc nhóm trên, những nơi luôn là sự lựa chọn của các thí sinh có học lực tốt nhất thì với các trường nhóm dưới, mặt bằng điểm cũng như mức điểm sàn có ý nghĩa hơn rất nhiều đối với công tác tuyển sinh ở những nơi này. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Những thí sinh làm được 50% số lượng câu hỏi có trong đề thi trở lên sẽ có nhiều cơ hội đạt mức trên điểm sàn. Việc xác định điểm sàn vẫn dựa trên tổng chỉ tiêu, kết quả học tập của thí sinh, đối tượng ưu tiên, có tính đến khả năng dịch chuyển của thí sinh ở từng vùng miền. Điểm sàn nhiều năm trước tương đối ổn định, vì vậy năm nay chắc không thay đổi nhiều. Với tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ là 605.000, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xây dựng điểm sàn phù hợp, bảo đảm nguồn tuyển cho các trường công lập và ngoài công lập.

Mặt bằng điểm đem đến sự lạc quan, lại thêm khẳng định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga là "không thay đổi nhiều" - tức là sẽ không tăng theo kiểu "thuyền lên nước lên", khiến cho nhiều trường hy vọng sẽ có đủ thí sinh.

Điểm chuẩn riêng cho thí sinh dự thi liên thông

Mặc dù được coi là "dễ thở" nhưng với các thí sinh dự thi liên thông, đề thi năm nay vẫn là một rào cản vô cùng lớn, đặc biệt khi năm 2013 là năm đầu tiên thí sinh liên thông tham dự kỳ thi tuyển sinh đầu vào cùng với các thí sinh dự thi đại học. Các trường cho biết, chất lượng bài thi của đối tượng này rất thấp so với mặt bằng chung, nguyên nhân chủ yếu là các thí sinh không được ôn luyện và đầu tư nhiều về kiến thức phù hợp với kỳ thi đại học sau khi đã mất ít nhất 3 năm học cao đẳng, trung cấp.

Một trong các trường có lượng thí sinh dự thi liên thông lớn nhất là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, với trên 3.000 thí sinh. Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Bổng cho biết, nhà trường xin phép Bộ GD-ĐT để xây dựng điểm chuẩn riêng cho hơn 3.000 thí sinh này để tạo điều kiện cho các thí sinh có cơ hội nâng cao kiến thức.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, với đối tượng này, điểm chuẩn đầu vào sẽ do hiệu trưởng của trường quyết định. Hiệu trưởng có quyền quyết định điểm chuẩn bằng với điểm chuẩn tuyển sinh đối với các thí sinh khác, hoặc có thể đề ra mức riêng. Tuy nhiên, do quy định bắt buộc thí sinh khi đã dự thi "ba chung" vẫn phải tuân thủ việc xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT nên dù các trường được quyền đưa ra điểm chuẩn riêng cho thí sinh hệ liên thông thì mức điểm này vẫn phải tuân thủ nguyên tắc là tối thiểu bằng điểm sàn. Quan điểm này nhận được sự đồng tình vì có thể tạo điều kiện học tập cho các thí sinh liên thông mà vẫn bảo đảm chất lượng đầu vào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm thi cao, nguồn tuyển có tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.