(HNM) - Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, chính quyền và nhân dân xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đang làm cho diện mạo nông thôn mới đổi thay, sạch đẹp, hiện đại lên từng ngày...
Trước đây, toàn bộ đường trục chính của xã Song Phượng đã có điện chiếu sáng, nhưng đường ngõ, xóm chưa có, nên một số hộ dân đã tự bảo nhau góp tiền mua bóng đèn, dây điện để thắp sáng lối ngõ vào nhà. Triển khai nhân rộng phong trào “ngõ sáng”, đầu năm 2016, UBND xã Song Phượng chỉ đạo các thôn thực hiện xã hội hóa điện chiếu sáng đường ngõ, xóm. Ngay sau đó, các thôn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến thống nhất của nhân dân, đồng thời thống kê từng ngõ, xóm, lập dự toán, công khai chi phí mua đèn, dây điện, tiền điện…
Đường hoa ở thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng. |
Với sự tự nguyện, đồng thuận, các hộ dân đã đóng góp tiền theo dự toán riêng của xóm mình tùy đường ngõ dài, ngắn khác nhau. Trưởng thôn Tháp Thượng Bùi Văn Trường cho biết: Mỗi hộ dân đóng góp số tiền từ 50.000 đến 200.000 đồng để mua dây điện, bóng đèn điện và tận dụng cột của ngành Điện lực, hiên, mái nhà dân để treo bóng đèn. Việc đóng góp tiền điện, có xóm lắp công tơ riêng và phân bổ đều cho mỗi hộ gia đình hoặc có xóm thống nhất chung tiền điện cho một hộ gia đình… Cuối năm 2016, 100% đường ngõ, xóm ở xã Song Phượng có đèn điện chiếu sáng với tổng kinh phí nhân dân đóng góp hơn 300 triệu đồng, giúp cho việc đi lại, sinh hoạt được thuận tiện, an toàn.
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 9-3-2017 của UBND huyện Đan Phượng về việc đặt tên đường, đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hành chính, an ninh, đất đai, trật tự xây dựng…, xã Song Phượng đã xây dựng kế hoạch, rà soát hiện trạng từng thôn theo bản đồ hành chính, thống kê trên địa bàn có 1.240 hộ gia đình cần gắn biển số nhà, 106 ngõ, ngách, 32 điểm lắp biển chỉ dẫn công cộng.
Ở mỗi thôn thành lập Tổ công tác từ 3 đến 5 người, do Trưởng thôn làm tổ trưởng, tổ chức tuyên truyền tới nhân dân. Kinh phí lắp đặt, đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng được xã công khai, minh bạch, riêng chi phí biển số nhà nhân dân đóng góp 35.000 đồng/biển. Triển khai nhanh chóng, nhưng không xuề xòa, dễ dãi, xã Song Phượng không đánh số, gắn biển cho những nhà ở, công trình xây dựng không phép hoặc trái phép, trong khu vực cấm xây dựng…
Ngõ xóm được chiếu sáng, đường đi lối lại, nhà ở quản lý theo số, biển chỉ dẫn giúp an ninh trật tự ở Song Phượng được giữ vững. Ngoài ra, thực hiện lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, xã đã giải tỏa 64 hộ dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; tháo dỡ và thu giữ 6 biển quảng cáo, 2 mái vẩy, 9 ô che mưa nắng; duy trì tổ công tác giải tỏa, không để xảy ra tình trạng tái vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.
Ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho hay: Để khu dân cư thực sự “sáng - xanh - sạch - đẹp”, Song Phượng đang tiếp tục triển khai phong trào xây dựng tuyến đường hoa. Nhằm tạo sự đồng nhất, bảo đảm mỹ quan với những tuyến đường nở hoa đẹp, phù hợp cảnh quan, không ảnh hưởng đến giao thông, xã đã hướng dẫn các thôn cụ thể, chi tiết từng con đường, từng lối đi, mỗi tuyến phố; việc đặt số lượng chậu hoa, xây bồn trồng hoa đồng bộ, đồng màu; vẽ bích họa trên tường với nội dung phù hợp với cảnh quan khu vực…
Sau hơn một tháng triển khai, nhân dân xã Song Phượng đã đóng góp gần 90 triệu đồng để triển khai tuyến đường hoa và vẽ bích họa. Điển hình là thôn Thu Quế làm đường hoa phía trước Nhà văn hóa thôn và vẽ bích họa phong cảnh làng quê, hoa trên hơn 100m tường rào; thôn Tháp Thượng xây bồn trồng hoa, đặt chậu hoa trên 200m đường…
Những việc làm của chính quyền và nhân dân kể trên đã giúp cho Song Phượng như được khoác một tấm áo mới với diện mạo nông thôn hiện đại, khang trang, sạch đẹp, xứng đáng là xã nông thôn mới điển hình của huyện Đan Phượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.