Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm mặt những lò gạch thủ công ở Phúc Thọ

Chu Dũng| 10/05/2016 10:40

(HNMO)- Không chỉ làm chết lúa, hoa màu, cây ăn quả, khói từ gần chục lò gạch trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ hàng ngày, hàng giờ đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống ở địa phương.

Các lò gạch đang gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xã Xuân Phú.


Đi trên tuyến đê dẫn về xã Xuân Phú mới hiểu phần nào bức xúc của người dân nơi đây. Nắng tháng 5 mới lên còn chưa gắt mà bước xuống mặt đê ghi hình cụm lò gạch khoảng mươi phút, bụi đã bám đầy trên người nhóm PV. Chưa kể đến mặt đê được thảm nhựa nhưng bị xe chở gạch quá tải phá hỏng. Đường liên thôn nối xã Xuân Phú với những xã liền kề cũng chịu cảnh tương tự.

Chị Hoàng Thị H. ở thôn Kim Lân cho biết, khi các lò hoạt động, khói còn tỏa ra ngay chân các lò gạch, khiến toàn bộ diện tích lúa xung quanh hỏng hoàn toàn. Cây ăn quả, cây lâu năm quanh đó cũng bị táp lá, hư hại.

Theo thống kê năm 2015, có ít nhất 2ha lúa bị "cháy" do khói lò gạch. Nhiều hộ dân sinh sống ở xa lò gạch khu vực xã giáp ranh cũng bị thiệt hại.

Chính quyền xã Xuân Phú đã kiến nghị với huyện, làm việc với các chủ lò gạch nhiều lần. Chủ lò gạch cũng đền bù cho người dân, nhưng theo kiểu “du kích” - nghĩa là khi đốt lò bị dân kêu họ cũng tiến hành họp các hộ dân bị thiệt hại để đền bù qua loa rồi đâu lại hoàn đấy.

Ông Hoàng Duy Kiên, Trưởng phòng Quản lý đô thị - UBND huyện Phúc Thọ cho biết, tính đến tháng 7/2013, UBND huyện đã xóa bỏ toàn bộ các lò gạch thủ công (trong đó các chủ lò gạch tự tháo dỡ 108 vỏ lò). Đến nay, không còn hiện tượng nung, đốt lò thủ công gây ô nhiễm môi trường; chỉ còn một số vỏ lò gạch thủ công chưa tháo dỡ triệt để…

Tuy nhiên, lò gạch thủ công chưa tháo dỡ triệt để theo lời lãnh đạo huyện Phúc Thọ được người dân vạch mặt chỉ tên còn tới 6 lò, là những lò của chủ có tên: Nam, Nhật, Hải, Ước, Tuyết, Côn ở xã Xuân Phú. Những lò gạch này vẫn sử dụng theo công nghệ cũ đáng lẽ bị khai tử từ lâu.

Được biết, trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện có 31 cặp lò gạch theo công nghệ xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường, bố trí tại 9 xã theo đúng quy định của thành phố. Hằng năm, huyện đều tiến hành quan trắc môi trường để đánh giá tác động đối với khu vực.

Thực hiện  nghiêm theo đúng lộ trình của thành phố, đến cuối năm 2016, các ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn và các chủ lò gạch phải tháo dỡ các lò gạch nung. UBND huyện Phúc Thọ cũng đã dừng không cấp phép xây mới lò gạch, sản xuất gạch, ngói bằng đất sét nung. Nhưng không biết lý do nào, ở Xuân Phú vẫn tồn tại những lò gạch kiểu “cổ lỗ sĩ” ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như vậy?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm mặt những lò gạch thủ công ở Phúc Thọ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.