(HNM) - Đến hẹn lại lên, hôm nay 29-3, ngành GD-ĐT Hà Nội tổ chức Ngày hội CNTT lần thứ hai, năm học 2011-2012. Hoạt động này diễn ra 3 năm một lần, được kỳ vọng là nơi chia sẻ những ý tưởng sáng tạo và thể hiện lòng nhiệt huyết, say mê với những giải pháp ứng dụng CNTT với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học theo hướng ngày càng thực chất.
Ứng dụng CNTT: Việc không đơn giản
Cách đây 3 năm, hoạt động đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý đã được Bộ GD-ĐT chọn làm chủ đề năm học và được phát động rộng rãi trong các cơ sở giáo dục. Từ đó đến nay, nhiều phong trào, hội thi nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các công việc cụ thể hằng ngày của mỗi thành viên trong nhà trường, từ nhân viên văn phòng, kế toán, giáo viên (GV) đến cán bộ quản lý (CBQL). Một trong những phong trào được Bộ GD-ĐT đặc biệt chú trọng và cụ thể hóa thành một cuộc vận động được duy trì và phát triển sâu rộng ở các nhà trường hiện nay là "Mỗi năm, mỗi GV, CBQL thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý". "Trợ thủ" đắc lực cho các nhà giáo trong việc thực hiện những ý tưởng đổi mới của mình là CNTT.
Nhờ ứng dụng CNTT vào giảng dạy, học sinh tiếp thu bài tốt hơn. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Đa số nhà giáo khi được hỏi đều khẳng định lợi ích của việc khai thác, sử dụng CNTT. Nhiều kiến thức trừu tượng được cho là khó dẫn giải trong tiết dạy, nay nhờ ứng dụng CNTT mà có thể chuyển tải một cách dễ dàng thông qua hình ảnh, âm thanh, biểu đồ… minh họa. Điều đáng ghi nhận là nếu như vài năm trước, CNTT chỉ được sử dụng trong các môn khoa học tự nhiên thì nay, nhiều GV dạy môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân… cũng có thể tận dụng lợi thế của CNTT để giúp cho bài học hấp dẫn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu tại các nhà trường cho thấy vẫn có biểu hiện lạm dụng CNTT trong việc dạy học. Trên cơ sở thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy và bồi dưỡng GV về ứng dụng CNTT cũng như tìm hiểu nhiều sản phẩm CNTT được ứng dụng trong dạy học hiện nay, tại một hội thảo của Bộ GD-ĐT tổ chức tuần trước, PGS.TS Lê Huy Hoàng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chỉ ra 11 biểu hiện lạm dụng thường thấy ở GV hiện nay. Đó không chỉ là cách thể hiện thiếu ý tưởng sư phạm, quá chú trọng hình thức mà còn là lựa chọn sai công cụ…
Mỗi công cụ CNTT đều hướng tới những mục đích khác nhau trong việc hỗ trợ bài dạy. Ví dụ như phần mềm Powerpoint dùng để thiết kế các nội dung dạy học giáp mặt, phần mềm Crocodile dùng để mô phỏng các kiến thức vật lý, hóa học, sinh học... Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ đặc điểm, tính năng, tiện ích của từng loại công cụ. Việc lựa chọn màu nền lòe loẹt hay cách hiển thị thông tin rắc rối… đôi khi khiến học trò tò mò như đang theo dõi một buổi trình diễn về công nghệ hơn là việc tiếp nhận kiến thức. Việc lựa chọn mức độ, liều lượng âm thanh, hình ảnh và cách thức lồng ghép nội dung kiến thức khi cần có sự hỗ trợ từ CNTT thực sự là một việc không đơn giản.
Quy mô và chuyên nghiệp hơn
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, Ngày hội CNTT lần thứ hai là một hoạt động trọng điểm của năm học 2011-2012, thu hút sự tham gia của tất cả các đơn vị giáo dục, trường học trên địa bàn thành phố ngay từ đầu năm học. Thông qua Ngày hội CNTT tại cơ sở, hàng vạn sản phẩm CNTT, trong đó có gần 5.000 bài giảng E-Learning và bài giảng điện tử của thầy, cô giáo đã được giới thiệu với đồng nghiệp, được chấm điểm theo nhiều tiêu chí khắt khe với mục tiêu duy nhất là nâng cao hiệu quả của bài dạy và tạo sự hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý. Một nghìn sản phẩm được lựa chọn trưng bày tại Ngày hội CNTT của ngành là những sản phẩm tiêu biểu nhất, là kết quả của những ý tưởng sáng tạo, lòng nhiệt huyết, trí tuệ và tinh thần hăng say đổi mới của các nhà giáo Hà Nội.
So với Ngày hội CNTT lần thứ nhất được tổ chức cách đây 3 năm, ngày hội CNTT lần này được đánh giá là có quy mô lớn hơn, rõ tính chuyên nghiệp hơn. Gần 80 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và cung ứng dịch vụ CNTT trong ngành GD-ĐT đã đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm CNTT. Kế hoạch tổ chức ngày hội được triển khai từ đầu năm học và đã được các phòng GD-ĐT, cụm trường hưởng ứng tích cực thông qua các hội thi tại cơ sở. Cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learing được coi là điểm nhấn của ngày hội lần này. Ngoài ra, hàng trăm phần mềm ứng dụng CNTT cũng được trưng bày tại đây, sau đó được bổ sung vào kho học liệu dùng chung của ngành. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá và thiết thực cho các thầy, cô giáo trong việc chuẩn bị bài dạy. Thông qua các sản phẩm phần mềm, các tiết dạy mẫu có ứng dụng hiệu quả CNTT được chuyển tải thành các đĩa VCD và những góp ý, chia sẻ từ đồng nghiệp, ban tổ chức ngày hội mong muốn trang bị thêm cho đội ngũ CBQL, GV kiến thức về ứng dụng CNTT, hạn chế tình trạng lạm dụng các ứng dụng CNTT vốn khá phổ biến ở các nhà trường hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.