(HNM) - Đưa người bạn đồng nghiệp ở một tờ báo trung ương và một giám đốc doanh nghiệp rong ruổi ở một số huyện ngoại thành để tìm hiểu về hoạt động ở các làng nghề, xe đi qua điểm công nghiệp làng nghề xã C (huyện Thạch Thất), thấy những ngôi nhà nằm sát mặt đường, anh bạn giám đốc thắc mắc:
- Xây dựng điểm công nghiệp làng nghề là để đưa các hộ sản xuất ra khỏi nơi dân cư, vừa tạo điều kiện mở rộng sản xuất vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Nghề mộc đâu phải nghề cần ít diện tích, vậy mà mỗi lô chỉ khoảng hơn 100m2 đến 300m2 thế thì phát triển sản xuất ra sao. Hơn nữa, bà con làng nghề còn kéo ra sinh sống cùng nhà xưởng, biến điểm công nghiệp thành khu giãn cư thế kia thì chả khác gì đánh bùn sang ao, mang ô nhiễm chỗ này sang chỗ kia. Nghe nói, ở điểm công nghiệp làng nghề mộc nổi tiếng Vạn Điểm (Thường Tín) còn mọc lên nhà nghỉ mấy tầng cao ngật ngưỡng. Điểm làng nghề xã Q (Ứng Hòa) nằm sát đường 21B cũng toàn nhà cao tầng, trước sân chứa đầy lông gà, lông vịt, đồng nát chả khác gì khu dân cư.
Nghe vậy, anh bạn đồng nghiệp nghề báo nhẹ nhàng góp lời:
- Đây là tình trạng chung. Đúng là mục đích xây dựng điểm công nghiệp là để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, nhưng hầu hết các điểm hiện tại chưa có hệ thống xử lý rác thải, nước thải công nghiệp mà chỉ có hệ thống thoát nước sinh hoạt. Quản lý sau đầu tư thì phó mặc cho chính quyền các xã và họ ít quan tâm nên mới có tình trạng biến tướng như vậy. Vấn đề bây giờ là thành phố cần phải có quy định cụ thể cho quản lý sau đầu tư cho các điểm công nghiệp làng nghề, nhất là cơ chế thu nộp phí quản lý, để các địa phương có điều kiện tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và sản xuất. Chứ nếu cứ tình trạng này, chẳng mấy mà các cụm, điểm công nghiệp sẽ hóa thành khu dân cư cả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.