(HNM) - Điểm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) có 18 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên hầu hết doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất sơn đều xả nước thải trực tiếp ra kênh T2-7, gây ô nhiễm trầm trọng.
Điểm công nghiệp Di Trạch hoạt động từ năm 2014, có 18 công ty. Do Điểm công nghiệp Di Trạch không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên các cơ sở sản xuất, nhất là 3 công ty sơn (Công ty cổ phần Sơn Infor, Công ty cổ phần Sơn Jymec, Công ty cổ phần Sơn Facomax) đều xả nước thải trực tiếp ra kênh T2-7 khiến nước kênh đổi màu liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường khu dân cư từ nhiều năm nay.
Chị Nguyễn Thị Như, ở xã Di Trạch, cho biết: “Những ngày trời nóng, nước dưới dòng kênh bốc mùi hôi thối nồng nặc, rất khó chịu. Không chỉ có vậy, nguồn nước từ kênh T2-7 bị ô nhiễm còn chảy vào khu vực trồng hoa màu của người dân, khiến diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng nề”.
Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch thừa nhận tình trạng các cơ sở sản xuất tại Điểm công nghiệp Di Trạch xả nước thải trực tiếp, làm kênh T2-7 ô nhiễm, đã diễn ra từ lâu. "Ngày 21-7-2018, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức kiểm tra, phát hiện 3 cống xả từ các cơ sở sản xuất sơn kể trên đều có nước màu trắng như sơn pha loãng và cả dòng kênh T2-7 bị nhuộm trắng. Do điểm công nghiệp này nằm trong quy hoạch xây dựng Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050 nên thành phố Hà Nội chỉ cho các đơn vị thuê đất từng năm, vì vậy việc yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng khu xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn. Việc này cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của xã nên cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng mới có thể giải quyết triệt để tình trạng trên” - Ông Phạm Văn Mạnh bày tỏ.
Liên quan sai phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường của 3 công ty sơn tại Điểm công nghiệp Di Trạch, ngày 16-3-2018 Thanh tra thành phố Hà Nội có Kết luận số 1045/KL-TTTP-P3 nêu rõ: UBND huyện Hoài Đức chưa nghiêm túc trong triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của UBND thành phố; UBND huyện Hoài Đức không kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường đối với các cụm, điểm công nghiệp nên cả 8 cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn đều chưa thực hiện thủ tục bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014...
Sau khi có Kết luận thanh tra, ngày 12-10-2018, UBND huyện Hoài Đức có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 công ty sơn với tổng số tiền 330 triệu đồng (Công ty cổ phần Sơn Infor 30 triệu đồng, Công ty cổ phần Sơn Jymec 210 triệu đồng, Công ty cổ phần Sơn Facomax 90 triệu đồng). “Đến nay, mới chỉ có Công ty cổ phần Sơn Infor nộp phạt. Sau xử phạt, công ty này cũng chỉ khắc phục phần nào nhưng tuyệt đối thì không thể!” - ông Phạm Văn Mạnh chia sẻ.
Đề cập hướng xử lý dứt điểm đối với 2 công ty không chấp hành quyết định xử phạt và vẫn gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho biết: “Chưa thể đưa ra được thời gian xử lý vì hiện nay huyện mới đang có kế hoạch, sẽ tiến hành kiểm tra vào thời gian tới. Nếu các doanh nghiệp không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan chức năng của huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ, có biện pháp cưỡng chế thực hiện…”.
Để bảo đảm kỷ cương, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nêu trên, các cơ quan hữu quan cần sớm xử lý dứt điểm các vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.