(HNM) - Mặc dù Bộ VH-TT&DL cấm các hoạt động thu đổi tiền lẻ trong khuôn viên di tích, lễ hội; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đổi tiền mới (đặc biệt là tiền lẻ) để thu chênh lệch, tuy nhiên ghi nhận tại các điểm lễ hội, đền chùa, di tích, dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn diễn ra nhộn nhịp, công khai…
Nhộn nhịp "ngân hàng" di động
Đây là thực trạng có thể nói xảy ra ở tất cả các điểm di tích, đền chùa trên địa bàn Hà Nội mà phóng viên ghi nhận được. Đặc biệt, năm nay, do tiền có mệnh giá thấp như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng… khan hiếm nên những người làm nghề đổi tiển kiếm cớ đẩy giá lên. Ngay từ mùng 1 Tết Giáp Ngọ 2014, dịch vụ đổi tiền lẻ đã xuất hiện bất chấp quy định cấm của cơ quan chức năng. Cụ thể, khu vực trước và bên cạnh cổng chùa Hà (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) có hơn 20 ki ốt, quầy hàng bán vàng mã, hương, hoa, bánh kẹo phục vụ bà con mua lễ đi chùa, thì có đến một nửa "kiêm" luôn dịch vụ đổi tiền lẻ. Không biển bảng nhận đổi tiền, sạp thì "trưng" cả bó dày tiền lẻ bày cùng đồ tiền mã; sạp lại để từng tệp tiền lẻ đủ mệnh giá (500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng) vào trong tủ kính để bà con dễ nhận biết. Giá đổi tiền các mệnh giá khá tương đương nhau "cùng 10 ăn 7" (đổi mười nghìn đồng được bảy nghìn đồng).
Các “ngân hàng” tiền lẻ di động mọc lên tại nhiều cổng đền, chùa. |
Có mặt tại phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ), phóng viên nhận thấy, ngay ở khu vực cổng bãi trông giữ ô tô, xe máy có khá nhiều hàng bán hàng mã, đồ lễ, viết sớ kiêm cả đổi tiền lẻ. Càng vào sâu trong phủ, dọc đường đi hầu như các ki ốt bán đồ lễ đều có dịch vụ đổi tiền lẻ. Nếu như dịp trước Tết Nguyên đán, các chủ ki ốt ngang nhiên treo các tấm biển "Đổi tiền lẻ" để khách hàng dễ dàng nhận biết thì sau Tết, các tấm biển này biến mất, thay vào đó là trưng các hộp bằng kính đựng các sấp tiền lẻ công khai ngay ở phía ngoài. Thậm chí, nhiều người bán hàng còn ngang nhiên mời chào khách đổi tiền lẻ mà không thấy lực lượng chức năng kiểm tra xử lý.
Ngoài phủ Tây Hồ, tại khu vực Bia Bà một di tích khá nổi tiếng ở quận Hà Đông, có khá nhiều "ngân hàng" di động với đầy đủ các mệnh giá tiền lẻ xuất hiện để phục vụ khách đi lễ. Các quầy hàng này không ngần ngại treo các tấm biển "Đổi tiền lẻ"; thậm chí, tiền lẻ còn được bày bán lẫn với cành vàng, lá ngọc, vàng mã, hương hoa... để tiện sắp lễ. Theo tìm hiểu của phóng viên, mức giá chênh lệch của dịch vụ đổi tiền lẻ ở đây khá cao. Tiền mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng, mức đổi là "10 ăn 7", tiền mệnh giá 1.000 đồng đổi ở mức "10 ăn 6"... Đắt nhất là tờ tiền mệnh giá 500 đồng mới, tỷ lệ quy đổi là "10 ăn 4". Riêng tờ 10.000 đồng bằng cốt tông đã ngừng phát hành, giá đổi là 50 nghìn đồng lấy một tờ…
Có kiểm tra, xử lý?
Có cầu ắt có cung. Quả vậy, việc hoạt động đổi tiền lẻ hoạt động nhộn nhịp, tấp nập tại khu vực các điểm lễ hội, đình chùa, di tích chính là do nhiều người dân vẫn có thói quen "đi rải tiền lẻ" ở các ban thờ nhằm cầu lộc, cầu tài. Nạn đặt tiền giọt dầu bừa bãi ở các di tích, đền, chùa vừa gây ra sự lãng phí, vừa phản cảm bởi tạo ra không ít hình ảnh xấu: Nhiều ngôi chùa tiền lẻ vẫn được người đi lễ đặt kín trên ban thờ, nhét trong tay tượng Phật hay ném xuống ao, hồ. Thậm chí, có người còn lấy tiền lẻ được đặt trên ban ra kiểm đếm để đổi tiền chẵn, mang đi làm giọt dầu. Theo thông tin từ NHNN, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ, đặc biệt là tiền mới nguyên xêri chưa qua sử dụng trong dịp Tết những năm gần đây tăng cao, phần lớn được dùng vào việc đi lễ chùa. Sau Tết, lượng tiền mệnh giá nhỏ nộp vào ngân hàng rất lớn khiến ngân hàng ở địa phương phải huy động lượng lớn cán bộ, nhân viên kiểm đếm, làm lãng phí nhiều thời gian và chi phí.
Đồng thời, NHNN cũng có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp chỉ đạo các đơn vị tại địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội. Bộ VH-TT&DL có văn bản chỉ đạo và yêu cầu các Sở VH-TT&DL, các ban quản lý di tích, phòng VH-TT các địa phương... xây dựng nội quy, hướng dẫn người dân sử dụng tiền hợp lý, văn minh, tiết kiệm khi tham gia lễ hội và không để dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động trong khuôn viên di tích, lễ hội... Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động đổi tiền vẫn diễn ra công khai và tấp nập tại các điểm di tích, đền chùa khiến không ít người dân tự hỏi: Phải chăng các văn bản này chỉ ban hành cho có, và cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương thực hiện theo tinh thần của văn bản mới chỉ dừng lại ở "tuyên truyền, vận động" (?)...
Tết năm nay, lần đầu tiên NHNN không in thêm tiền có mệnh giá nhỏ để tiết kiệm ngân sách, hạn chế tình trạng lãng phí trong in ấn, phát hành, kiểm đếm; đồng thời hạn chế tình trạng sử dụng tiền lẻ không đúng mục đích. Việc tuyên truyền, vận động người dân không rải tiền lẻ tràn lan tại các lễ hội, di tích cũng được thực hiện rất tích cực. Hy vọng rằng, ý thức của mỗi người dân khi đặt chân đến chốn linh thiêng như đền, chùa có những hành vi trên sẽ dần thay đổi. Ngoài ra, để chấn chỉnh hoạt động đổi tiền trái phép, bên cạnh những quy định đã có, cơ quan chức năng cũng cần bổ sung kịp thời, chặt chẽ các chế tài xử phạt; kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân hoạt động đổi tiền trái quy định, không để tình trạng này tiếp tục tái diễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.