Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ cầm đồ - “đất hứa” bị buông lơi ?

Bài, ảnh: Sơn Trà| 24/09/2011 06:33

(HNM) - Mặc dù được xếp vào loại hình kinh doanh có điều kiện nhưng hiện nay gần như không có quy định pháp luật nào dành riêng để quản lý và xử lý các sai phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ... khiến hoạt động béo bở này đang trở thành sân chơi tự do cho các vi phạm...


"Cầm đồ" chăng biển khắp nơi


Dù là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng biển hiệu "cầm đồ" lại rất đơn giản!

"Buôn có bạn, bán có phường", trên địa bàn Hà Nội đang hình thành các "phố cầm đồ" nổi tiếng như Đặng Dung, Láng, Phùng Hưng, Bạch Mai, Vọng... với hàng trăm cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ lớn, nhỏ. Đó là chưa kể ở các khu dân cư, tuyến phố, ngõ ngách... nhất là những nơi có nhà trọ, trường học, tụ điểm game hay cà phê bóng đá. Chỉ cần một nơi đủ đặt một chiếc tủ kính, dù ở nhà cao tầng hay kiốt mái tôn, đều có thể trở thành hiệu cầm đồ. Thậm chí, gần đây còn có loại hình cầm đồ trực tuyến, sử dụng mạng internet. Chỉ cần vào trang tìm kiếm "google", gõ chữ "cầm đồ", có thể tìm thấy hàng tá địa chỉ, số điện thoại với lời mời "Cầm đồ số 1", "Thủ tục nhanh, lãi suất thấp...". Các thông tin như thanh lý laptop cầm đồ giá rẻ cũng được rao nhan nhản. Còn nếu muốn mua điện thoại di động, dây chuyền vàng giá rẻ, chỉ cần đến phố Đặng Dung, Láng... có thể chọn mua thỏa thích.

"Cầm đồ" thực ra là cầm cố tài sản. Tức là người sở hữu tài sản giao cho bên nhận cầm đồ tài sản có giá trị để thỏa thuận và nhận về một khoản tiền, có lãi suất. Giao dịch này phải được lập thành hợp đồng. Thông thường, trong điều khoản hợp đồng có giới hạn thời gian của việc cầm cố. Nếu hết thời hạn, bên nhận cầm cố có quyền định đoạt đối với tài sản mình đang "cầm". Bởi vậy, bất cứ tài sản nào có thể quy đổi thành tiền đều có thể được đem đi cầm, từ quần áo, đồ dùng cá nhân, máy vi tính, điện thoại, xe máy, ô tô, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, đất đai... Trong đó, điện thoại di động, máy tính xách tay, dàn máy nghe nhạc, xe máy, ô tô, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng vay tiền ngân hàng là những món hàng được các chủ cơ sở cầm đồ ưa thích hơn cả. Những vật dụng rẻ tiền khác thì chỉ được chấp nhận ở những cơ sở bình dân, gần nhà trọ của công nhân, sinh viên...

Thông thường một giao dịch vay - mượn được thiết lập phải có đủ ba yếu tố: quyền sở hữu của chủ tài sản, giá trị của tài sản, khả năng trả nợ của người vay. Tuy nhiên, theo chị Vân, một người kinh doanh cầm đồ ở quận Hoàn Kiếm, số khách hàng có thể chứng minh được quyền sở hữu tài sản cầm đồ không nhiều. Nếu chỉ trông chờ vào những khoản cho vay này thì giới cầm đồ... chết đói. Do vậy, một giao dịch cầm đồ thường chỉ cần dựa vào việc định giá giá trị của tài sản cầm cố. Một khi bên mang đồ đi cầm không chứng minh được quyền sở hữu tài sản thì chủ hiệu cầm đồ cũng không cần quan tâm đến khả năng trả nợ của khách làm gì. Để tránh rủi ro, mỗi vật đưa đến cửa hàng cầm đồ thường được định giá rất thấp, chỉ bằng 20-70% giá trị thực (tùy mức độ tin cậy của khách hàng). Sau đó hai bên thỏa thuận số tiền khách được vay chỉ bằng 50-60% mức định giá đó. Chị Vân khẳng định: "Có thế khi thanh lý mới có lãi".

Chính vì tiêu chí đơn giản của các hiệu cầm đồ mà mạng lưới này đang là địa chỉ quen thuộc của giới trộm cắp, lừa đảo, tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được. Nói một cách khác, một phần hoạt động cầm đồ đang trở thành "sân sau" của giới tội phạm núp dưới những tên gọi hợp pháp "cửa hàng", "doanh nghiệp", "công ty"... cầm đồ.

Quy định pháp luật lỏng lẻo

Năm 1999, Bộ Thương mại ban hành Thông tư số 13/1999/TT-BTM ngày 19-5-1999 hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhằm thi hành Nghị định số 11/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3-3-1999 về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, ngày 4-1-2007, trong Quyết định số 01/2007/QĐ-BTM về việc Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Thương mại ban hành đã hết hiệu lực, Thông tư 13/1999/TT-BTM được bãi bỏ.

Từ năm 2007, hoạt động này chỉ còn được điều chỉnh tại các quy định từ Điều 326 đến 341 Bộ luật Dân sự, là các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của bên cầm cố và bên nhận cầm cố liên quan đến việc thực hiện hợp đồng và thanh lý hợp đồng hoặc tài sản. Đây là những quy định mà đại đa số các giao dịch tại cửa hàng cầm đồ không thực hiện.

Ngày 3-9-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2009/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, dịch vụ cầm đồ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này nhưng lại chỉ có những quy định chung chung như "chủ doanh nghiệp phải có đạo đức tốt, cơ sở đủ điều kiện phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự...". Tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, hành vi nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu hoặc đăng ký nhưng không có các giấy tờ đó; cầm cố, thế chấp tài sản mà không có hợp đồng theo quy định chỉ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Hành vi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật khác mà có bị phạt từ 5 đến 15 triệu đồng. Hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng.

Với những mức phạt hành chính như trên trong khi điều kiện để mở cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ quá dễ dãi, đơn giản, nếu vi phạm có bị phát hiện và bị xử lý thì tiền phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận thu được sau khi tiêu thụ một chiếc xe máy SH bị đánh cắp.

So với lợi nhuận mà ngành nghề này mang lại, chế tài xử phạt dù có tăng gấp 10 lần mức hiện tại cũng khó mà bảo đảm tính răn đe. Để quản lý chặt lĩnh vực kinh doanh có điều kiện này, không gì khác là cơ quan quản lý cần có ngay quy trình và điều kiện cấp phép kinh doanh thật chặt chẽ, đồng thời có phương thức tổ chức để hệ thống ngân hàng mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh cầm cố, một lĩnh vực kinh doanh hợp pháp của giới doanh nghiệp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ cầm đồ - “đất hứa” bị buông lơi ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.