Dịch Vọng Trung là một thôn (làng) thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm trước đây (từ năm 1997 là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Xưa làng có ba xóm : Hà, Thọ, Tháp. Giống như ở làng Dịch Vọng Tiền, mỗi xóm của Dịch Vọng Trung cũng có một ngôi đình.
Dịch Vọng Trung là một thôn (làng) thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm trước đây (từ năm 1997 là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Xưa làng có ba xóm : Hà, Thọ, Tháp. Giống như ở làng Dịch Vọng Tiền, mỗi xóm của Dịch Vọng Trung cũng có một ngôi đình.
Dịch Vọng Trung có đến ba chùa, trong đó có chùa Hà (chùa của xóm Hà) nổi tiếng nhất. Theo lưu truyền dân gian, xa xưa chùa lợp bằng lá vồi, nên gọi là chùa Vồi. Đến đời Vua Lê Hy Tông (1676 - 1704), có hai người ở làng Thổ Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đến trọ ở chùa để bán các sản phẩm gốm, sứ ở các chợ sát Kinh thành Thăng Long. Sau nhờ buôn bán phát đạt, hai người đã công đức một lượng lớn tiền của để dân làng Dịch Vọng Trung dựng chùa lợp ngói vào năm đầu niên hiệu Chính Hòa (1680), lại cúng cho chùa 7 mẫu và 6 mẫu để dân xóm làm ruộng công. Từ đó, làng Dịch Vọng Trung và làng Thổ Hà kết nghĩa với nhau, đặt tên xóm có chùa là xóm Bối Hà và chùa có tên là chùa Hà. Trong chùa hiện còn quả chuông đúc năm Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thịnh (1799). Cạnh chùa xưa kia có ngôi đình của xóm (đình Hà) cũng thờ Triệu Chí Thành.
Chùa Hà có liên quan đến một số sự kiện lịch sử đất nước. Khoảnh đất trước cửa chùa vào năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778) là nơi làm lễ an táng Nhu Thận Hoàng Thái hậu Đào Thị - vợ Vua Lê Hiển Tông. Sự kiện này được chép rõ trong Việt sử thông giám cương mục. Năm 1985,tại đây đã phát hiện ngôi mộ có xác một phụ nữ tóc dài, da thịt còn tương đối nguyên vẹn. Phải chăng đây là mộ của Hoàng Thái hậu?
Phía trái chùa Hà có khu nghĩa địa. Đây là nghĩa địa rộng 17 mẫu 2 sào ruộng quan điền, được lập theo đề nghị của các quan Tham tụng Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, và Chúa Trịnh Cương chuẩn y vào năm Bảo Thái thứ ba (1722) để chôn hoặc cải táng những người chết đói, chết dịch vô thừa nhận. Chúa Trịnh Khải (hay Trịnh Tông) sau khi tự sát trên đường dẫn giải từ Yên Lãng (Vĩnh Phúc) về Thăng Long cũng đã được chôn tại nghĩa trang này.
Dịch Vọng Trung cùng với Dịch Vọng Tiền là cơ sở của Thành ủy Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Từ năm 1944, ngoài các gia đình nuôi giấu cán bộ còn có chùa Hà là nơi hội ý công tác của cán bộ Thành ủy. Tháng 6 - 1945,tại đây đã mở lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ lãnh đạo tự vệ và thanh niên xung phong toàn thành. Ngày 15 - 8 - 1945, đồng chí Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy đã triệu tập và trực tiếp chủ trì cuộc họp cán bộ lãnh đạo và tự vệ thanh niên xung phong toàn thành để chuẩn bị khởi nghĩa. Vì thế, chùa Hà được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng (năm 1982).
TS Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.