Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch Vọng Sở

ANHTHU| 05/06/2004 09:28

Theo bia ký và lưu truyền dân gian ở xóm Sở (cạnh trường Đại học Thương mại hiện nay) thì vào giữa thời Lê Sơ, một bộ phận người Chăm, vốn là tù binh Chiêm Thành sống tại trại Nam Đồng đã lên Dịch Vọng khai phá đất đai, lập một cụm dân cư mới gọi là ấp Canh Đồng.

Theo bia ký và lưu truyền dân gian ở xóm Sở (cạnh trường Đại học Thương mại hiện nay) thì vào giữa thời Lê Sơ, một bộ phận người Chăm, vốn là tù binh Chiêm Thành sống tại trại Nam Đồng đã lên Dịch Vọng khai phá đất đai, lập một cụm dân cư mới gọi là ấp Canh Đồng. Theo sử cũ ghi lại, năm Hồng Đức thứ 12 (1481), Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cho các địa phương trong cả nước còn nhiều đất hoang phải khai phá, lập ra các sở đồn điền để sản xuất, làm cho sự tích trữ lương thực được dồi dào.

Dịch Vọng Sở là một trong 43 sở đồn điền được hình thành trong bối cảnh đó, trên cơ sở mở rộng ấp Canh Đồng và trại Nam Đồng, mặc dù chúng cách nhau khá xa. Ba họ từ Nam Đồng đến khai phá Dịch Vọng Sở là : Trương, Lương, Đỗ. Về sau, đinh số họ Trương càng đông lên, còn hai họ Lương, Đỗ ít tăng. Vì tuyệt đại đa số dân làng là họ Trương nên người làng chủ yếu có quan hệ hôn nhân với làng Mai Dịch bên cạnh.

Năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757), nhà nước bãi bỏ chế độ đồn điền, các sở chuyển thành làng xã. Dịch Vọng Sở được chuyển thành một xã, ngang bằng với xã Dịch Vọng, cùng thuộc các tổng, huyện, phủ với xã Dịch Vọng, từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1955. Từ năm 1956, làng nhập với làng Mai Dịch thành xã Mai Dịch thuộc quân VI, đến năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Năm 1990, xã Mai Dịch chuyển thành thị trấn, đến năm 1997 chuyển thành phường, thuộc quận Cầu Giấy.

Đến đầu thế kỷ XX, Dịch Vọng Sở là làng ít dân (chỉ có 216 người). Vì là xã bé nên Tổng đốc Hà Đông Hoàng trọng Phu đã nhiều lần bắt ép Dịch Vọng Sở phải nhập vào xã Phú Đô của tổng Phương Canh, nhưng các chức dịch và dân làng không chịu. Tuy ít dân, nhưng làng lại có đến 216 mẫu ruộng, hầu hết là ruộng công, bình quân mỗi người có đến gần một mẫu. Tuy vậy, ruộng đất của làng phân tán ở nhiều xã trong huyện, cả một số xã của các huyện khác. Đã vậy, đồng ruộng cao trũng không đều, chỉ cấy được vụ mùa và thêm một vụ ngô đậu, chất đất xấu nên năng suất cây trồng rất thấp. Đến năm 1915, vỡ đê Liên Mạc, đồng ruộng của làng được bồi một lớp phù sa, đất mới tốt hơn.

Đình của làng Dịch Vọng Sở xưa kia là đình lợp lá. Mãi đến năm 1935, khi người Pháp đào sông Nhuệ qua đồng của làng, đã đền bù cho một ít tiền, nhân đó, làng xây ngôi đình bằng gạch, hoàn thành năm Mậu Dần (1938). Đình thờ Lý Phật Tử. Trong đình còn lưu sáu đạo sắc phong cho thần, đạo sớm nhất vào năm Quang Trung thứ năm (1792).

Làng có ngôi chùa Diên Khánh, còn gọi là chùa Sở, được xây dựng từ lâu, có kết cấu chữ “Đinh”. Trong chùa còn lại quả chuông “Diên Khánh tự chung” đúc năm đầu đời Vua Minh Mạng (1820). Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là cơ sở hoạt động của cán bộ, du kích. Sư ni Thích Đàm Đăng tham gia các hoạt động kháng chiến rất tích cự, về sau được thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Tuy không có người đỗ đạt, nhưng trước đây, Dịch Vọng Sở cũng có Văn chỉ.

Ngày nay, cùng với làng Mai Dịch, Dịch Vọng Sở đang trên quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, có 42 cơ quan, trường học, khu tập thể đóng trên đất địa phương.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch Vọng Sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.