Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đích đến là dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng

Hà Phong| 06/06/2022 07:11

(HNM) - Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân và các cơ quan hữu quan, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mới nhất đã có nhiều chỉnh sửa, hướng đến mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Song, nhiều ý kiến cho rằng, đây là luật có liên quan đến an ninh trật tự, giám sát, phản biện xã hội nên cần chi tiết hơn nữa để tránh phát sinh những phức tạp, hiểu sai trong quá trình thực hiện.

Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) kiểm tra chất lượng một công trình xây dựng trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Phương

Mở rộng dân chủ ở cơ sở

Trước thực tiễn thi hành pháp luật về dân chủ ở cơ sở đang bộc lộ những bất cập, hạn chế về nội dung, hình thức, dàn trải ở nhiều văn bản, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm: 7 chương, 74 điều, quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo luật này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự án luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. "Đây không phải là những vấn đề mới, mà có tính kế thừa. Chúng ta cũng đã thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhưng luật ra đời sẽ tiếp tục phát huy. Đây là dự án luật khó, yêu cầu phải bao trùm hết mọi người dân, phải trở thành động lực cho sự phát triển", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Dự thảo luật có một số điểm mới, gồm: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có quyền đề xuất kiến nghị các sáng kiến, đưa ra cộng đồng dân cư để bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến quyết định với điều kiện không trái với Hiến pháp, quy định của pháp luật, phù hợp thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, được 1/3 dân cư đồng ý qua thảo luận, quyết định.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Ban soạn thảo đề xuất chính quyền địa phương cấp xã phải công khai dự án, công trình đầu tư và tình hình triển khai, tiến độ thực hiện, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã.

Cần đối thoại với dân thường xuyên

Có điều đáng lưu ý là để bảo đảm dân chủ ở cơ sở, dự thảo quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Trong dự thảo luật cũng quy định rất rõ về Ban Thanh tra nhân dân nhưng về Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thì chưa đề cập đến.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thoan (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho rằng, nên bổ sung để tạo được sự thống nhất trong hệ thống các cơ quan từ trên xuống. Về những nội dung chính quyền cấp xã phải công khai, bà Thoan đề nghị “trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước, hoặc chưa được công khai theo quy định của pháp luật” để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp, hiểu sai trong quá trình thực hiện luật.

Đối với quy định hằng năm, UBND cấp xã tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân trên địa bàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, những vấn đề liên quan đến quyền lợi của nhân dân, từ thực tế cơ sở, Phó Bí thư Chi bộ tổ 17 (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) Đoàn Thị Gái cho rằng, không phải hằng năm mới tiến hành mà đối thoại cần được tổ chức ngay khi thấy có vấn đề, có chương trình, dự án hoặc những nội dung mà người dân đang quan tâm, giúp tránh khiếu kiện vượt cấp.

Đối với vấn đề dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp lần đầu được đề cập, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước; tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại trong các doanh nghiệp sẽ là những nội dung thể hiện rõ nét nhất về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, dự thảo luật cần quy định rõ việc giao Chính phủ hướng dẫn, quy định chi tiết ba nội dung trên, phù hợp với từng khu vực, đối tượng để làm căn cứ triển khai.

Cũng theo ông Nguyễn Phi Thường, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước hiện chưa phát huy hiệu quả do thiết chế này được giao giám sát người đứng đầu, nhưng lại phải thực hiện nhiệm vụ do người đứng đầu giao. Để bảo đảm dân chủ thực chất, nên chăng xem xét có giải pháp xử lý tình trạng này, đồng thời bổ sung quy định người lao động được bỏ phiếu đánh giá người đứng đầu trong hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hằng năm của đơn vị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đích đến là dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.