(HNM) - Tổ chức Tháng hành động vì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vào dịp Tết Nhâm Thìn và đầu mùa lễ hội, Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã nhắm tới mục tiêu cụ thể hơn so với 13 tháng hành động trước đó.
Liệu "mở hàng" cho năm 2012 bằng tháng hành động này có đem đến một năm an toàn về thực phẩm khi những hành vi vi phạm quy định về ATVSTP xuất hiện ngày càng phổ biến, tinh vi, song hình thức xử phạt chưa tương xứng?
Thời gian "nóng" và địa điểm "nóng"
Mọi năm, Tháng hành động ATVSTP thường được tổ chức từ ngày 15-4 đến 15-5 với những chủ đề khác nhau. Sang năm 2012, Tháng hành động ATVSTP được tổ chức ngay đầu năm, từ ngày 10-1 đến ngày 10-2, bởi Tết truyền thống dân tộc và các dịp lễ hội là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bùng phát và gia tăng. Những ngày cận Tết, những thông tin về thực phẩm bẩn được các cơ quan quản lý phát hiện ngày càng nhiều, trong đó thịt thối, phụ gia thực phẩm độc hại chiếm phần lớn. Dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các lễ hội thường là hoạt động kinh doanh thời vụ, có nơi tự phát, do đó không bảo đảm vệ sinh và công tác quản lý không được coi trọng nếu không muốn nói là bị buông lỏng. Trong khi đó, theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước mỗi năm có 7.966 lễ hội dân tộc, khoảng vài chục lễ hội du nhập, diễn ra hầu hết dịp sau Tết Nguyên đán. Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) Nguyễn Công Khẩn lý giải với Hànộimới ngày 9-1: Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp Tết và lễ hội tăng từ 30% đến 50%, thậm chí 100% so với ngày thường. Chính sự đột biến này ẩn chứa nguy cơ mất ATVSTP cao và ngành y tế đã chọn Tháng hành động ở thời điểm đầu năm. Đây chính là điểm nhấn trong năm, tạo cao điểm, phát động một "chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng ATVSTP và chiến dịch thanh tra, kiểm tra để bảo đảm ATVSTP trên phạm vi cả nước, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh truyền qua thực phẩm".
Với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các lễ hội", trong Tháng hành động, các đoàn thanh tra liên ngành từ trung ương đến địa phương sẽ tổ chức 3 đợt thanh tra trước, trong và sau Tết và tập trung vào các nội dung như giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; hồ sơ công bố tiêu chuẩn đối với những sản phẩm bắt buộc; nhãn sản phẩm hàng hóa thực phẩm; tài liệu quảng cáo, hồ sơ đăng ký quảng cáo; hồ sơ nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; hồ sơ theo dõi về chất lượng sản phẩm; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người; các quy định khác của pháp luật có liên quan; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm khi cần thiết.
Truyền thông đi trước, ý thức có theo sau ?
Trong cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân cả nước cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ mong muốn, trong các giải pháp để giải quyết các vấn đề nổi cộm của ngành, trong đó có việc bảo đảm chất lượng ATVSTP, truyền thông phải đi trước một bước. Tháng hành động hằng năm được coi là một hoạt động truyền thông mang tính điểm nhấn với các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, bao gồm Nhà nước, UBND các cấp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng đối với công tác này.
Mặc dầu vậy, như Cục trưởng Nguyễn Công Khẩn cho biết, năm 2011, tình hình ngộ độc thực phẩm về các chỉ số đều giảm so với năm 2010 nhưng các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể, chỗ ăn đông người vẫn tăng. Tình trạng ngộ độc thực phẩm tại nước ta được công bố tại hội thảo Quản lý chất lượng và ATVSTP do trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Cục ATVSTP (Bộ Y tế) mới tổ chức gần đây cho thấy, đối tượng mắc từ 19 đến 49 tuổi chiếm 79,3% số vụ, chiếm 69,7% số người ngộ độc 71,8% số đi viện và 30% số tử vong. Đây là lứa tuổi đã có nhận thức đầy đủ về nguy cơ ngộ độc qua đường thực phẩm nhưng vẫn là đối tượng bị ngộ độc cao nhất, bởi nguồn "cung" không sạch. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận thực trạng này tại lễ phát động Tháng hành động năm nay: Dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản, thực phẩm vẫn chưa kiểm soát được; điều kiện bảo đảm ATVSTP của các cơ sở chế biến, trong đó đến 90% là thủ công, chưa đạt yêu cầu; thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu vẫn lưu thông trên thị trường, ý thức chấp hành Luật của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao. Kết quả kiểm tra năm qua cũng chứng minh cho nhận định này: Tại miền Bắc đã phát hiện nhiều mẫu thực phẩm có chứa Rhodamine B với hàm lượng từ 20,2 đến 110,2mg/kg. Nhiều mẫu thực phẩm sử dụng Nitrit (trong xúc xích, giăm bông), phẩm màu có chứa kiềm (trong nước giải khát, mỳ ăn liền). Đặc biệt là có 15,6% mẫu bún, bánh phở, bánh giò, bánh su sê có sử dụng hàn the (chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng). Tại các tỉnh phía Nam, 298/437 mẫu sản phẩm là mì sợi tươi, thực phẩm chay dương tính với formol. 86/115 mẫu có dương tính với chất tẩy trắng với các mẫu hoa chuối, bẹ chuối, măng chua. Có 28/52 mẫu sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, tập trung vào các mẫu tôm khô, hạt dưa, mứt...
Thực tế trên cho thấy, truyền thông đi trước nhưng ý thức khó mà đi sau khi thanh, kiểm tra theo kiểu "xuân thu nhị kỳ" và xử lý vi phạm theo kiểu " phạt cho tồn tại".
Chiều 9-1, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội có buổi làm việc với các sở Y tế, Công thương, NN&PTNT về tình hình thực hiện ATVSTP trên địa bàn Hà Nội trong dịp Tết Nhâm Thìn. Sau khi nghe lãnh đạo các ngành báo cáo, bà Nguyễn Thị Thùy - Trưởng ban, đã đề nghị các sở phải phối hợp các lực lượng để khắc phục tình trạng nhân lực còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu trong quản lý ATVSTP; đề nghị Sở Y tế tham mưu cho UBND thành phố để có kế hoạch dài hơi, trong đó bao quát tình hình và trách nhiệm cụ thể liên quan tới từng sở, ngành trong quản lý ATVSTP. Đồng thời, Ban Văn hóa - Xã hội dự kiến đề nghị HĐND thành phố có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.