Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch Covid-19: Tây Ban Nha kêu gọi thận trọng sau khi nới lỏng phong tỏa

Kim Phượng| 10/05/2020 06:40

(HNMO) - Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 9-5 đã lên tiếng cảnh báo đại dịch Covid-19 hiện vẫn là mối đe dọa rình rập khi quốc gia Nam Âu này dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Lời kêu gọi được Thủ tướng P.Sanchez đưa ra trong bối cảnh ngày 11-5, một nửa dân số 47 triệu người của Tây Ban Nha được phép ra ngoài tiếp xúc xã hội ở một mức độ hạn chế.

Một số nhà hàng của Tây Ban Nha tại các khu vực cho phép được mở cửa trở lại từ ngày 11-5.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 10-5 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 4.095.734 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 280.119  ca tử vong.

Châu Âu

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, Tây Ban Nha lên kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn tới cuối tháng 6, với khoảng một nửa dân số 47 triệu người của nước này được phép ra ngoài tiếp xúc xã hội ở một mức độ hạn chế từ ngày 11-5. Trong khi đó các nhà hàng được cung cấp một số dịch vụ ngoài trời.

Trong bài phát biểu tối 9-5, Thủ tướng P.Sanchez nêu rõ: "Tôi kêu gọi các bạn thận trọng và cảnh giác tối đa do vi rút vẫn chưa biến mất, chúng vẫn tồn tại". Lo ngại số ca nhiễm tăng trở lại nếu các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ quá nhanh, giới chức đã quyết định thủ đô Madrid hay Barcelona, hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Tây Ban Nha  đều sẽ không nằm trong giai đoạn 1 nới lỏng phong tỏa.

Thành phố Granada và Malaga ở miền Nam cũng như Valencia ở miền Đông cũng vẫn sẽ được áp đặt đầy đủ các quy tắc phong tỏa. Trong khi đó, cộng đồng tự trị Galicia ở miền Bắc, giáp với Bồ Đào Nha và xứ Basque, cũng như một số thành phố lớn như Zaragoza và Seville sẽ được hưởng một quy chế tự do mới, bao gồm được mở cửa lại nhà thờ, song số lượng người ra vào hạn chế, trong khi các cửa hàng nhỏ được đón tiếp khách có hẹn trước.

Tới nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận 262.783 ca mắc Covid-19, trong đó có 26.478 ca tử vong, chỉ đứng sau Mỹ, Anh và Italia.

Tính đến sáng 10-5, số ca tử vong do mắc Covid-19 tại Pháp là 26.310 người, tăng 80 ca trong 24 giờ. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại Pháp kể từ ngày 1-4. Giới chức y tế và chính quyền địa phương đã gia tăng lời kêu gọi "cảnh giác" tại Nouvelle-Aquitaine, một vùng được xếp vào nhóm ít nguy cơ, sau khi xuất hiện hai ổ dịch Covid-19. Một ổ dịch bùng phát tại tỉnh Dordogne sau một đám tang cuối tháng 4. Một ổ dịch khác được phát hiện ở tỉnh Vienne, sau cuộc họp của giáo viên và nhân viên một trường trung học cơ sở để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại vào ngày 18-5.

Tại cuộc họp của ủy ban hỗn hợp nghị viện ngày 9-5, các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ Pháp đã đạt được một thỏa thuận về dự luật kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp đến ngày 10-7, trước khi chính thức được thông qua. Các nghị sĩ cũng đề xuất sửa đổi bộ luật y tế công, để tính đến "các kỹ năng, quyền hạn và phương tiện" của chính quyền trong tình huống khủng hoảng được coi là "tình trạng y tế khẩn cấp". Các nghị sĩ cũng đồng ý về một điểm nhạy cảm khác của dự luật: theo dõi bệnh nhân Covid-19 qua một "hệ thống thông tin", được kết nối với cơ quan bảo hiểm y tế. 

Tại Anh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Grant Shapps ngày 9-5 cho biết, số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2  tại nước này đã tăng thêm 346 người trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên thành 31.587 người. Phát biểu tại cuộc họp báo hằng ngày của Chính phủ Anh, Bộ trưởng Shapps cho hay lưu lượng giao thông sẽ chỉ giảm 10% so với mức trước khủng hoảng nếu biện pháp giãn cách xã hội được thực thi đầy đủ, đồng thời cũng nói rằng cần nhiều người dân đi bộ và đạp xe hơn tới nơi làm việc.

Châu Á

Khói mù do các vụ cháy rừng tại Indonesia đang tiềm ẩn nguy cơ gây khó khăn cho công tác dập dịch Covid-19 trong khi chính phủ nước này chưa có kế hoạch dự phòng cho các bệnh về hô hấp giữa lúc đại dịch vẫn đang hoành hành.

Người đứng đầu Cục Phòng ngừa và kiểm soát bệnh lây nhiễm thuộc Bộ Y tế Indonesia Wiendra Waworuntu cho biết các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp do khói mù từ các đám cháy gây ra tương tự như các triệu chứng bệnh Covid-19. Các ca mắc bệnh hô hấp do hai nguyên nhân này tăng cùng lúc sẽ làm gia tăng sức ép đối với cơ quan y tế Indonesia. 

Trong khi đó, ngày 9-5, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cho biết sẽ cấp cho Indonesia khoản tín dụng 1 tỷ USD nhằm ứng phó với các tác động của đại dịch Covid-19. 

Tại Philippines, nước này đã ghi nhận thêm 147 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 10.610 ca và 704 ca. Khoảng 84% số ca nhiễm mới là ở thủ đô Manila. Bộ Y tế Philippines khẳng định các dấu hiệu hiện nay cho thấy xu hướng nhiễm mới đang chậm lại và các bệnh viện đã không còn bị quá tải. Tuy nhiên, giới chức y tế Philippines khẳng định cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc, người dân nên thận trọng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng hoặc dỡ bỏ. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không dân dụng Philippines (CAAP) tuyên bố nước này sẽ cho phép các chuyến bay quốc tế đến sân bay quốc tế Ninoy Aquino (NAIA) tại thủ đô Manila bắt đầu từ ngày 11-5 tới.

Châu Mỹ

Tính đến sáng 10-5, Brazil có thêm 10.047 ca Covid-19 mới, nâng tổng số ca lên 155.939. Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế nước này thông báo thêm 635 trường hợp tử vong, tổng cộng, Brazil đã có 10.627 người thiệt mạng vì vi rút SARS-CoV-2.  

Các chuyên gia cho biết năng lực xét nghiệm của Brazil vẫn đang ở mức khá thấp, đồng nghĩa với việc số liệu thực tế dường như cao hơn nhiều so với số chính thức. Mặc dù, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp nhưng Tổng thống Brazil Bolsonaro đã chỉ trích mạnh mẽ các phương pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, nhấn mạnh rằng việc đóng cửa doanh nghiệp là gây thiệt hại không cần thiết tới nền kinh tế. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dịch Covid-19: Tây Ban Nha kêu gọi thận trọng sau khi nới lỏng phong tỏa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.