(HNM) - Chuyến công du Châu Á của Thủ tướng Anh David Cameron đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trong bối cảnh nền kinh tế Lục địa già chưa thoát khỏi "bóng ma" của cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài, tăng trưởng GDP của xứ Sương mù năm 2011 giảm xuống chỉ còn 0,7%, chuyến công du 4 ngày với những chặng dừng chân như: Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia và Myanmar của Thủ tướng D.Cameron được kỳ vọng không chỉ mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại mà còn cả trên các lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Thủ tướng David Cameron (trái) và Thủ tướng Yoshihiko Noda nhất trí đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa hai nước. |
Là chặng dừng chân đầu tiên nhưng được cho là quan trọng nhất, chuyến thăm Nhật Bản của "ông chủ" số 10 phố Downing cùng phái đoàn gần 40 doanh nghiệp hùng hậu, trong đó có một số hãng sản xuất vũ khí lớn như BAE Systems, Augusta Westland, diễn ra chưa đầy 24 giờ nhưng đã gặt hái được nhiều kết quả. Tuyên bố chung sau hội đàm (ngày 10-4) giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Thủ tướng D.Cameron đã mở ra "chương mới" trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước khi Tokyo đồng ý đưa Anh vào danh sách đối tác hàng đầu ở nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng sau Mỹ. Trên tinh thần tuyên bố này, hai nhà lãnh đạo sẽ xem xét một cách thỏa đáng các thỏa thuận giữa hai chính phủ để bảo đảm rằng, việc chuyển giao cho nước thứ ba cũng như sử dụng trang thiết bị quốc phòng cho các mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ. Động thái này là nhằm giải tỏa những quan ngại rằng các vũ khí và công nghệ liên quan có khả năng rơi vào tay các nhóm khủng bố hoặc một nước thứ ba có thể góp phần châm ngòi cho các cuộc xung đột quốc tế.
Cùng Mỹ đang "sát cánh" với Nhật Bản để gây sức ép với Triều Tiên trong vụ phóng tên lửa đẩy vệ tinh lên quỹ đạo, thành công không thể không kể đến trong chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng D.Cameron là việc hai nước ký thỏa thuận khung về hợp tác dân sự trong lĩnh vực hạt nhân. Thỏa thuận này hứa hẹn mang lại hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp Anh từ hoạt động xử lý hạt nhân tại Nhật Bản. Theo thỏa thuận trao đổi hạt nhân hai chiều này, các công ty Nhật Bản sẽ trao đổi kinh nghiệm thiết kế và xây dựng nhà máy hạt nhân mới; đổi lại, các công ty Anh sẽ chịu trách nhiệm phá dỡ, sửa chữa, khử độc tại Nhà máy Fukushima vốn bị hư hại nặng sau sự cố động đất sóng thần năm ngoái. Thêm vào đó, Tokyo cũng nhận được cái gật đầu của Anh trong dỡ bỏ các hạn chế thương mại để mở đường cho thỏa thuận thương mại tự do sắp tới giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã đầu tư vào Anh 26 tỷ bảng để tạo ra 130 nghìn việc làm tại Anh và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 14 của Anh.
Ngay sau chuyến thăm Nhật Bản kết thúc, tâm điểm dư luận đang hướng về Myanmar - điểm đến cuối cùng ngày 13-4 - trong chuyến công du Châu Á của Thủ tướng D.Cameron. Với chuyến thăm lịch sử này, Thủ tướng D.Cameron là nhà lãnh đạo đầu tiên từ phương Tây đến thăm Myanmar kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh cấm vận với nước này từ cuối những năm 1990. Cuộc viếng thăm tuy ngắn ngủi nhưng được Myanmar đánh giá như "một thời khắc quan trọng" khi cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vừa kết thúc tốt đẹp. Diễn ra trước khi EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ) ngày 23-4 để xem xét lại chính sách cấm vận Myanmar, cuộc gặp giữa Thủ tướng D.Cameron với Tổng thống Thein Sein dự kiến sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ song phương trong bối cảnh Myanmar đang đẩy mạnh cải cách.
Được xem là nỗ lực lớn trong kế hoạch kích thích tăng trưởng khi nền kinh tế xứ Sương mù đang phải vật lộn để tránh rơi vào suy thoái lần hai trong vòng 3 năm trở lại đây, chuyến công du Châu Á của Thủ tướng D.Cameron cho thấy Anh đang dần dịch chuyển trọng tâm tới khu vực địa - chiến lược này. Sự dịch chuyển này là không quá khó hiểu trong bối cảnh Mỹ cũng đang đẩy mạnh chính sách ngoại giao hướng tới Châu Á khi không ngừng tăng cường sự hiện diện tại nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này giải thích vì sao trong phát biểu với báo giới trước chuyến thăm, Thủ tướng D.Cameron lại khẳng định: "Chuyến thăm quan trọng vì nước Anh muốn xây dựng các mối quan hệ trọng yếu với Nhật Bản cũng như Đông Nam Á. Chúng ta cần cân bằng lại nền kinh tế Anh, cần tăng xuất khẩu, tăng đầu tư, sản xuất và công nghiệp".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.