Văn hóa

Địa đạo Nam Hồng - dấu tích một thời hào hùng

Đỗ Minh 02/09/2023 - 12:50

Là một trong những địa đạo đầu tiên của Việt Nam, địa đạo Nam Hồng, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, nay là chứng tích lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp của người dân Đông Anh nói riêng và cả nước nói chung.

Từ dấu tích còn lưu giữ cùng địa đạo Củ Chi, địa đạo Phú Thọ Hòa (thành phố Hồ Chí Minh), địa đạo Long Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu), địa đạo Nam Hồng thể hiện tài năng, trí tuệ sáng tạo của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Điểm khác biệt của địa đạo Nam Hồng là được đào, nối thông qua những ngôi nhà trong khắp thôn, xóm nên việc bảo tồn, lưu giữ địa đạo có nhiều khó khăn…

Chứng tích lịch sử

Theo Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương đến thăm địa đạo vào những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi được giới thiệu tỉ mỉ và sống động. Dưới mỗi bước chân đang đi của chúng tôi là đường hầm của địa đạo - chứng tích hào hùng của người dân Nam Hồng và huyện Đông Anh.

dia-dao-nam-hong.jpg
Thôn Vệ, xã Nam Hồng - một trong những thôn lưu giữ hệ thống địa đạo Nam Hồng dưới lòng đất.

Dừng chân tại nhà cụ Phạm Quang Dộc, theo cụ vào trong căn bếp cũ ở góc vườn - nơi lưu giữ lối vào của địa đạo, cầm trên tay chiếc đèn pin nhỏ chiếu sáng, mọi người phải cúi thấp mới xuống được địa đạo.

Hiện còn lại một cửa hầm dẫn xuống địa đạo. Phía trong địa đạo rộng rãi, khá cao ráo, chúng tôi chỉ hơi khom người là có thể di chuyển. Hai bên được kè chắc chắn bằng bê tông cốt thép, trần uốn cong kiểu mái vòm. Vào sâu bên trong, ít người có thể tin được cách đây hơn 70 năm, dân quân xã Nam Hồng đã tự tạo được một hệ thống địa đạo kiên cố bằng cuốc, bằng xẻng, bằng tay…

Cụ Phạm Quang Dộc kể lại: “Ngày xưa, khi các cụ đào địa đạo này, tôi mới có vài tuổi. Bố tôi tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ canh giữ cửa hầm và che giấu cán bộ. Khi còn sống, cụ vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về những ngày giặc Pháp càn quét ở Nam Hồng".

cong-dia-dao-ong-doc.jpg
Lối xuống địa đạo tại nhà cụ Phạm Quang Dộc.

Theo lời giới thiệu của cán bộ, người dân xã Nam Hồng, địa đạo Nam Hồng có chiều dài hơn 10km, đi qua các thôn: Tằng My, Đoài, Đìa, Vệ và liên thông sang thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng và thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê. Địa đạo có 465 hầm bí mật, 2.680 hố chiến đấu, hơn 8.000m thành luỹ và hơn 600 cổng dong - tạo nên làng kháng chiến liên hoàn toàn xã và tạo thành pháo đài phòng ngự kiên cường, đánh địch hiệu quả.

Hiện tại, Nhà truyền thống Nam Hồng lưu giữ bản sao bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nam Hồng là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt. Hệ thống địa đạo chiến đấu Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở Đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi thấy đây là một di tích lịch sử rất quý giá, rất cần được bảo vệ, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Cần có sự quan tâm và có đầu tư thích đáng”.

cong-ham-trong-nha-dan.jpg
Một lối xuống địa đạo Nam Hồng trong nhà người dân.

Khẳng định giá trị địa đạo Nam Hồng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho hay: Địa đạo Nam Hồng là địa đạo rất đặc biệt của chiến tranh du kích ở Đồng bằng Bắc Bộ và ở Hà Nội. Ngày xưa địa đạo này rất dài. Có một thời kỳ Bảo tàng Quân đội giúp phục hồi một số đoạn địa đạo nhưng sau đó không ai quản lý nên phần địa đạo chỉ còn hai đầu. Tháng 2-1996, Khu di tích lịch sử - văn hóa địa đạo Nam Hồng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

duong-dia-dao.jpg
Địa đạo Nam Hồng.

Bảo tồn, phát huy giá trị địa đạo Nam Hồng

Mang đầy dấu ấn lịch sử song đến nay địa đạo Nam Hồng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương cho hay, cả địa đạo dài hơn 10km giờ chỉ còn giữ được khoảng 200m, chạy qua lòng đất các gia đình. Trong số hàng chục cửa hầm lên xuống địa đạo chỉ còn hai cửa hầm: Một cửa dưới gầm giường nhà cụ Phạm Thị Lai, một cửa hầm ở góc nhà cụ Phạm Quang Dộc.

Các gia đình mong muốn bảo tồn và gìn giữ chứng tích lịch sử oai hùng này nên mặc dù ngôi nhà của cụ Lai sửa sang, tôn tạo, phục vụ sinh hoạt hằng ngày nhưng hình dáng vẫn giữ gần như nguyên vẹn. Mỗi khi có đoàn khách tới tìm hiểu di tích địa đạo, UBND xã Nam Hồng phải thông báo trước để cụ Lai cùng con cháu chuẩn bị đón tiếp và di chuyển chiếc giường bên trên mới mở được cửa hầm cho khách tới thăm.

loi-vao-dia-dao.jpg
Lối xuống địa đạo Nam Hồng khá nhỏ, chỉ từng người qua.

Hiện, huyện Đông Anh đã xây dựng Dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi khu di tích. Dự án đang xin ý kiến các chuyên gia. Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Luân cho biết, việc tu bổ, tôn tạo, khôi phục khu di tích là chủ trương phù hợp ý Đảng, lòng dân, là sự cần thiết để phát huy giá trị di tích trong thời điểm hiện nay.

hoi-thao-dia-dao.jpg
Huyện Đông Anh tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý về dự án bảo tồn địa đạo Nam Hồng.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội) Dương Ngọc Long, việc triển khai đề án cần làm rõ sự cần thiết, vị trí, hạng mục đầu tư như: Khu vực tiếp đón, mô phỏng làng kháng chiến, khu trải nghiệm và xây dựng mô hình quản lý di tích sau đầu tư... để hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình các đơn vị chuyên ngành thẩm định theo quy định pháp luật.

Còn Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, TS Nguyễn Thị Dơn cho rằng, đồ án thiết kế cần bổ sung sự cần thiết đầu tư, giá trị của dự án, làm nổi bật giá trị của di tích bởi đây là biểu tượng không chỉ của riêng Nam Hồng mà còn là của huyện Đông Anh nên việc phục dựng mô hình làng kháng chiến, phương án xây dựng nhà sinh hoạt truyền thống, tượng đài... cần phải nghiên cứu rất kỹ.

du-an-dia-dao.jpg
Dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi Khu di tích địa đạo Nam Hồng đang được huyện Đông Anh lấy ý kiến và triển khai.

Theo UBND huyện Đông Anh, dự án sẽ triển khai nhiều hạng mục, trong đó, chú trọng nhất là bảo tồn nguyên gốc di tích, bao gồm 67m địa đạo và 2 cửa hầm. Tiếp đó là phục hồi 2 ngôi nhà chứng tích và tuyến địa đạo kết nối với trận địa...

Để di tích trở thành điểm đến về du lịch lịch sử, dự án tập trung tu bổ, tôn tạo khu vực tiếp đón, bao gồm: Cổng làng, Nhà bia, cây đa, phủ điều; xây mới nhà trưng bày, đón tiếp kết hợp nhà làm việc Ban quản lý khu di tích; phỏng dựng Làng kháng chiến với hệ thống công trình kiến trúc như nhà ở, địa đạo, ụ tác chiến, chông mìn, cạm bẫy, chòi canh giao thông hào, lũy chiến đấu. Dự án có diện tích 4,83ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 245 tỷ đồng.

"Việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích địa đạo Nam Hồng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc của cha ông cho các thế hệ. Để công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả, huyện tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia lịch sử để sớm hoàn thiện, triển khai đề án", Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Địa đạo Nam Hồng - dấu tích một thời hào hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.