(HNM) - Địa bàn có đông dân tạm cư, nhiều trường học, bệnh viện, địa bàn giáp ranh thành thị, nông thôn… thường tồn tại nhiều phức tạp và tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, được coi là những khu vực đặc thù.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), phường này là một trong 5 phường trọng điểm, hay còn gọi là địa bàn đặc thù của thành phố, với hơn 1.000 người tạm cư đến thuê trọ, tập trung ở khu vực giáp đê sông Hồng. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào buôn bán nhỏ hoặc đi làm thuê nên trình độ dân trí, nhận thức kém, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật hạn chế. Ngoài ra, phường còn có 2 bệnh viện lớn (Bệnh viện TƯ quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị), bến xe khách Lương Yên, 2 trung tâm cai nghiện ma túy thường xuyên có hàng trăm bệnh nhân nghiện ma túy lui tới khám và lưu trú để cai nghiện. Do đó, lượng người vãng lai hằng ngày buôn bán hàng rong, làm ô sin, cửu vạn... cũng lên tới con số hàng nghìn. Những đặc trưng này khiến dân số phường tăng, giảm đột biến, kéo theo những phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Một buổi làm việc giữa công an phường Phúc Xá và tổ hòa giải. Ảnh: Minh Quân |
Phường Phúc Xá, Chương Dương của các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm cũng có những nét tương đồng với Bạch Đằng, là khu vực đông dân tạm cư, nhiều khách vãng lai vì có nhiều nhà trọ, bến tàu, bến xe, chợ đầu mối... Và tình hình an ninh trật tự cũng như công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tại những địa bàn này luôn là thách thức đối với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương. Một loại hình địa bàn cũng không kém phần phức tạp khi tập trung các trường đại học, cao đẳng, thu hút một lượng lớn học sinh, sinh viên học tập và sinh hoạt, kéo theo hàng loạt dịch vụ, dẫn đến lưu lượng người luôn biến động.
Thực tế cho thấy, địa bàn đặc thù như một số khu vực nêu trên có tính chất lịch sử. Ngoài ra, với điều kiện phát triển của cơ chế thị trường cũng như quá trình đô thị hóa, tình hình tại một số địa phương tiếp giáp giữa thành thị và nông thôn (địa bàn giáp ranh) cũng hết sức phức tạp.
Những cách làm… đặc thù
Ông Phạm Ngọc Thạch khẳng định, đặc điểm địa bàn đã chi phối quan trọng đời sống người dân, khiến cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gặp nhiều khó khăn. Lấy ví dụ, riêng năm 2012, lực lượng công an bắt giữ 28 đối tượng nghiện ma túy là người ngoại tỉnh và hàng trăm đối tượng trộm cắp, mại dâm. Thực trạng "sống chung với lũ" còn gây nhiều tác động, hệ lụy khiến những cán bộ cơ sở đau đầu.
Thực tế cho thấy, ở những địa bàn đặc thù rất cần các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể phát huy vai trò, tạo nên sự vào cuộc đồng bộ với các hoạt động đều tay, có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Bà Nguyễn Thị Minh, Trưởng ban Công tác mặt trận cho biết: "Khu dân cư số 6, phường Bạch Đằng, nằm sát Bệnh viện TƯ quân đội 108 và bến xe Lương Yên nên tình hình rất phức tạp. Tuy nhiên, khu dân cư này lại xây dựng thành công mô hình Khu dân cư văn hóa sớm nhất phường. Bí quyết là lựa chọn những cách thức đặc thù để xây dựng phong trào. Ví dụ, với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, các đoàn thể khu dân cư đã phối hợp chặt cùng lực lượng công an trong mọi hoạt động, qua đó nắm bắt thông tin về số đối tượng trên địa bàn hoặc những hiện tượng bất thường liên quan đến an ninh, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để nhân dân đề cao cảnh giác, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm bằng cách phát hiện, cung cấp những sự việc khả nghi cho công an.
Tương tự, khu dân cư số 2, phường Bạch Đằng (tập thể Điện lực), có gần 1.400 nhân khẩu với 4 trường học, 1 chợ cóc, 2 trung tâm cai nghiện. Bí quyết để nhiều năm qua khu dân cư này giữ vững danh hiệu Khu dân cư văn hóa là cán bộ phải làm nghiêm và chặt. "Nghiêm" là tại các cuộc họp tổ dân phố đều mời bí thư chi bộ, CSKV tham dự, hằng tháng tổ chức giao ban định kỳ giữa Ban công tác mặt trận với cấp ủy. Các cuộc họp dân phố, hội nghị nhân dân đều có giấy mời, tuyên truyền trước nội dung và thu hút 70% hộ dân tham gia bằng cách nêu cao vai trò của người cao tuổi, cựu chiến binh… "Chặt" được thực hiện trong khâu đánh giá, bình xét, khen thưởng trên cơ sở rà soát, nắm chắc việc thực hiện các nghị quyết tổ dân phố đưa ra của từng hộ dân; chỉ cần vi phạm như không treo cờ các ngày lễ, tết, hộ dân sẽ bị gạt khỏi danh sách bình xét gia đình văn hóa.
Đối với địa bàn nằm ở khu vực giáp ranh giữa thành thị và nông thôn như xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì), sau khi bị thu hồi diện tích đất lúa, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển chăn nuôi, do đó đời sống nhân dân dần được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn, phức tạp nảy sinh khi mới đô thị hóa. Cũng với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người dân xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì) đã ra sức góp của, góp công, sẵn sàng hiến đất xây dựng nông thôn mới. Đến nay xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí, phấn đấu hết năm 2013 đạt cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.