(HNM) - Hà Nội xưa thế nào, người Kinh kỳ đã sống và thay đổi ra sao? Mỗi bước thời gian qua đi, Hà Nội lại lùi xa thêm về mặt không gian, nhưng từ những
Tìm kiếm và chuyển tải thông tin tư liệu là một hành trình lặng thầm mà nhiều thú vị.
Hà Nội có ở nhiều nơi
Tết Hà Nội 120 năm trước.
Không phải là dạng sách "hot" nhưng "Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954" do TS Đào Thị Diến (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) chủ biên, thuộc "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" đã mang đến nhiều câu chuyện thú vị về Hà Nội, trong đó đa số là thông tin lần đầu tiên công bố. GS Phan Huy Lê đã bày tỏ sự vui mừng, thích thú với nguồn tư liệu gốc đặc biệt phong phú và giá trị của cuốn sách. Ở đó, từng công trình, đường phố… đều có lịch sử rõ ràng.
Cuốn sách trên đã "nhắc" đến một công việc lặng thầm nhưng quan trọng. Do đặc điểm lịch sử mà một phần không nhỏ của hình hài, đời sống, tâm hồn, sự chuyển động qua các thời kỳ của Hà Nội đang nằm ở đâu đó trong những tài liệu lưu trữ bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Hà Lan, Pháp). Làm cho khối tài liệu này chuyển động thành hơi thở của Kinh kỳ xưa để có thể đóng góp gì đó cho sự phát triển của Hà Nội hôm nay là một nhiệm vụ thực không dễ.
Ngay trong cuốn sách này, TS Đào Thị Diến đã cho hay vì hạn chế về thời gian, công trình gần 2.000 trang này bị hạn chế trong 4 chuyên đề lớn: Địa giới - Tổ chức hành chính; Quy hoạch - Xây dựng; Giao thông - Công chính và Văn hóa - Giáo dục của Hà Nội từ năm 1873 đến 1954. Chính vì vậy, một khối lượng lớn hồ sơ trong các phông tài liệu tiếng Pháp về mặt kinh tế, chính trị, quân sự… của Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc và tạm chiếm vẫn còn chưa được khai thác.
Một thời gian tương đối dài, giới nghiên cứu thường chú ý đến tư liệu phương Đông liên quan tới Việt Nam, mà quên mất các quốc gia phương Tây từng ghi chép tương đối chi tiết về nước ta từ giai đoạn cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX (1945). Khối tư liệu gần 9.000 trang thư từ và công văn đến của Công ty Đông Ấn Hà Lan về hoạt động thương điếm của Hà Lan tại Kẻ Chợ là một ví dụ. Hơn 700 trang trong số này vừa được chuyển ngữ. Nhưng như TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ "còn rất nhiều vấn đề khác của kinh tế, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng của Kinh đô Thăng Long được phản ánh sôi động trong khối tư liệu đồ sộ của thương điếm Hà Lan chưa được khai thác".
Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn khẳng định một khối tư liệu thời kỳ hiện đại của Mỹ, Australia, Đức, Liên Xô về Việt Nam có chứa nhiều thông tin quan trọng về Hà Nội cũng chưa "cất tiếng".
Để Hà Nội bước ra từ kho lưu trữ
Là tiến sĩ sử học, hơn 30 năm gắn bó với ngành lưu trữ, nhưng đứng trước nhiều trang tư liệu phương Tây về Hà Nội, TS Đào Thị Diến vẫn không khỏi bất ngờ với những phát hiện mới. Không bất ngờ sao được khi mỗi dòng, mỗi chữ dịch ra là thêm một lần Hà Nội trong một thời kỳ hiện lên rõ nét hơn. Một khu phố cổ theo như mô tả của một du khách từ đầu thế kỷ XVII là "có hình tam giác, cạnh đáy dựa vào Hồ Nhỏ (Hồ Gươm) và hai cạnh bên thì giáp với sông Hồng và thành Hà Nội". Thú vị hơn, Kinh thành Thăng Long thuở đó đã từng có 15 chiếc cổng bảo vệ thành phố ở phía ngoài (giáp với sông Hồng), trong đó cổng phố Jean Dupuis (Ô Quan Chưởng) là chiếc duy nhất còn lại đến ngày nay. Rồi bên trong khu phố cổ còn có các cổng ngăn cách giữa các phố với nhau. Điện ảnh cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác có thể tìm thấy những thông tin mô tả chi tiết "Những cổng này rộng bằng cả bề ngang của phố…", đặc biệt nó có một cách đóng, mở rất độc đáo (không phải mở cả một tấm cửa như ngày nay, mà là tháo hoặc lắp từng thanh gỗ tròn như kiểu chấn song cửa sổ). Rồi nữa "cả thành phố biến thành một cái chợ lớn ngoài trời mỗi khi có chợ phiên… việc đi lại hầu như không thể được từ 7h sáng đến 2h chiều"…
Tư liệu cho dù là có sẵn từ kho lưu trữ trong nước, song để Hà Nội từ cách đây cả trăm năm hiện diện chân thực thì công việc không đơn thuần là chuyển ngữ. "Soi" mờ mắt rồi còn phải ra thực địa kiểm chứng, so sánh. Có khi chỉ một địa danh thôi như "Quảng trường Cây Dừa" (Place de Cocotier) nhưng đối chiếu chán mới tìm ra đó chính là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay, trước đó nơi đây trồng rất nhiều cây cọ (người Pháp gọi là cây dừa).
Còn phải mất nhiều công sức nữa để tái hiện lại "ký ức đô thị ngàn năm tuổi" (PGS-TS Vũ Văn Quân). Trong đó, như các nhà nghiên cứu cho biết, riêng ở Pháp, kho lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại ở Aix en Provence đang "ôm" toàn bộ khối tài liệu mang từ Việt Nam về trong chiến dịch "hồi hương tài liệu" trước năm 1954.
Khai phá tư liệu không chỉ để "thỏa" tấm tình chung là muốn biết về ông cha ta thuở xưa, khăn áo, đi đứng, nói năng, sinh hoạt thế nào…, mà còn để hiểu hơn Hà Nội đã đô thị hóa ra sao, nhằm tìm cách ứng xử cho phù hợp. KTS Hoàng Đạo Kính từng nói, bên cạnh việc đô hộ, Pháp cũng mang theo vào Việt Nam một nền kiến trúc có quy hoạch. Thì đây, trong công bố của TS Đào Thị Diến có chi tiết những bản vẽ, số liệu về độ cao đường ống, hệ thống cống ngầm thoát nước… Hẳn những con số này có ích ít nhiều cho việc nghiên cứu, cải tạo làm đẹp một cách khoa học cho Hà Nội hôm nay.
Nói như PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ, "Nhiều tư liệu phương Tây về Thăng Long - Hà Nội mới chỉ được giới thiệu như những đường cày vỡ trên một thửa ruộng rộng… Nhiều khía cạnh và thời đoạn lịch sử, nhất là thời kỳ trung, cận đại của Thăng Long - Hà Nội vẫn còn là những khoảng mờ, trống vắng. Việc khai thác, bảo tồn những tư liệu đó cũng quan trọng như việc tu tạo các di tích, bảo tồn các di sản kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật…".
Đi tìm những mỏ quặng tư liệu về Hà Nội - công việc ấy đòi hỏi tinh thần bền bỉ, mà mốc tiếp sức là sự kiện Thủ đô nghìn tuổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.