Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi tìm ngôi chùa Báo Ân trong lòng đất

THUHANG| 01/10/2003 11:32

Lâu nay ở thôn Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm mọi người thường kể cho nhau nghe về ngôi chùa 'Cả' với quy mô bề thế, rộng lớn có 86 nóc nhà và 99 gian. Có hai tam quan nội và ngoại, cảnh trí thiên nhiên hài hòa: phật đạo hưng thịnh, ngày đêm tiếng chuông, tiếng khánh ngân vang gắn với nhiều sự kiện của nhà Phật. Nhưng thực tế ngôi chùa đó như thế nào, chưa ai biết rõ.

Chỉ mới đây, qua kết quả khảo sát khai quật khảo cổ do Sở Văn hóa - thông tin Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 25 tháng 11 năm 2002, nằm trong chương trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội hướng tới kỷ niệm Thăng Long tròn 1000 tuổi vào 2010. Bước đầu mở ra những nhận định về quy mô, vị trí, ý nghĩa lịch sử của ngôi chùa cổ từng tồn tại trong lịch sử này.

Ngược dòng lịch sử tìm về dấu tích chùa xưa

Theo truyền thuyết khi vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử "tầm sư học đạo", Trần Thủ Độ biết tin ấy đem quần thần đi đón Thái Tông về, Thái Tông không chịu về nói rằng: "Trẫm còn nhỏ dại không kham nổi việc to lớn, các quan nên chọn người khác để cho khỏi nhục xã tắc". Thủ Độ khuyên mãi không nghe, ngoảnh lại bảo các quan rằng: "Hoàng thượng ở đâu thì triều đình ở đó". Nói đoạn truyền chuẩn bị xây cung điện ở chùa Phù Văn. Quốc sư ở chùa thấy thế vào van lạy Thái Tông về triều, Thái Tông bất đắc dĩ truyền xa giá về kinh.

Trên đường trở về kinh thành Thăng Long, đi đến sông Thiên Đức thì trời bỗng nhiên nổi gió, mây mù bao phủ đen một khoảng trời, thuyền rồng không đi được. Vua bèn cầu khấn thần linh, trời phật và nói: "Ta cắm 2 cái lọng bên bờ sông, nếu lọng bên bờ sông nào mà cụp xuống chính là vị thần đó giúp ta khỏi nạn, ta sẽ đội ơn".

Quả nhiên một lát sau lọng bên bờ sông Dương Quang cụp xuống, trời yên sóng lặng. Vua Trần lên bờ vào đền đốt trầm tạ lễ thổ thần, trời phật và xin xây dựng lại ngôi chùa để báo đền công đức, lấy tên là "Báo Ân tự".

Sách Lịch sử Phật giáo chép: Năm 1329, sư Pháp Loa đã xây dựng thêm ở hai ngôi chùa lớn là Báo Ân và Quỳnh Lâm 5 ngọn tháp và 200 tăng đường. Riêng ở chùa Báo Ân (Siêu Loại), năm 1314 ông đã cho xây 33 điểm, gồm: điện phật, gác chứa kinh và tăng đường. Ông còn xây các am như Hồ Thiên, Chân Lạc, Am Mã, Vinh Khê, Hạc Lai và mở rộng các khu chùa tháp ở nhiều nơi.

Tấm bia tứ trụ hiện đang lưu giữ tại chùa có tên "Báo Ân đại thiền tự bia ký" niên đại Đức Long nhị niên (1630) thì chùa Báo Ân được trùng tu lại với quy mô lớn, sửa chữa tam quan, nhà bái đường, thiêu hương, lầu chuông gác trống, tô tượng lập bia ký lưu truyền hậu thế. Nhiều quận chúa, quận công nhà Trịnh bỏ tiền bạc ra xây dựng.

Một tấm bia khác tạo năm Dương Hòa nhị niên 1636 lưu tại chùa ghi như sau: "Vương phủ nội đệ nhị cung tần Đào Thị Ngọc Hữu cùng với con là Khuê quận công Trịnh Lực và quận chúa Ngọc Xuân. Ngọc Niệm cúng cho chùa 26 mẫu ruộng và 6 dật bạc tinh để chi dùng việc đèn hương. Bà Thái Thị Ngọc Phi cũng cúng 9 sào ruộng và 5 dật bạc tinh cho chùa. Dân làng lập khoán ước tạc vào bia cho 2 bà, ai làm trái sẽ bị phạt".

Qua đây ta thấy ngôi chùa Báo Ân trước đây rất to lớn và có uy tín đối với người dân trong vùng.

Từ những hiện vật lưu giữ tại chùa đến cuộc khai quật

Hiện tại chùa còn lưu giữ được những hiện vật có niên đại Lý, Trần như đồ gốm sứ gia dụng (bát, đĩa, tòa sen), gạch lát nền lá đề, ngói mũi hài... được tìm thấy trong quá trình cày cấy, trồng hoa màu xung quanh khu vực chùa hiện tại. Trên cơ sở sử liệu có được cùng những hiện vật lưu giữ tại đây đã tạo tiền đề cho cuộc khai quật khảo cổ và thu được những kết quả bất ngờ.

Với diện tích khai quật 70m2 chia làm 3 hố. Đáng chú ý là tại hố khai quật thứ 1, ở độ sâu 1,6m, đã xuất lộ vết tích kiến trúc có niên đại Trần sớm. Dấu vết kiến trúc bao gồm hệ thống ống dẫn nước, nền gạch, kết cấu bó móng, vết gia cố chân cột, hệ thống kè gạch tạo thành hình vòng cung chia múi bưởi cùng hàng nghìn hiện vật thuộc các loại hình vật liệu trong kiến trúc nhà như: ngói mũi hài (đơn, giả kép, kép), ngói ống, gạch lát nền, đầu ngói, đầu góc đao, lá đề, đầu uyên ương, diềm trang trí chân thú, trang trí sen phượng (chất liệu bằng đất nung). Các chất liệu bằng sứ sành như: bát, đĩa, chậu, lon... có niên đại tương ứng với lớp kiến trúc thời Trần nói trên. Bên cạnh đó tại vị trí khai quật còn lại tìm thấy một cây thiên đài ký bằng đá, vết tích kiến trúc có niên đại từ Trần kéo dài đến Lê Nguyễn.

Các vết tích kiến trúc cùng hàng nghìn hiện vật là vật liệu trong kiến trúc, là những bằng chứng sinh động khẳng định niên đại cho di chỉ khảo cổ học Báo Ân này. Đồng thời khẳng định cho quy mô kiến trúc, hệ thống rường cột, rui mè của ngôi chùa Báo Ân xưa.

Như vậy, trên cơ sở khảo sát điền dã, khai quậtthì chùa Báo Ân xưa nằm trên gò cao phía Tây so với vị trí chùa hiện tại. Chùa có hướng Đông Nam tọa lạc bên tả ngạn sông Thiên Đức, có phạm vi phân bố lên tới 10.000m2. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích để ngăn ngừa việc xâm lấn di tích, đồng thời có biện pháp bảo tồn nguyên trạng những khu vực nói trên trước khi chưa tiến hành nghiên cứu khảo cổ học.

Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền, phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) nhận xét: kết quả nghiên cứu khai quật vừa qua đã cho biết những giá trị quý giá của di tích nhưng mới dừng lại ở mức độ hạn hẹp. Nhiều vấn đề xung quanh di tích chưa được lý giải vì vậy việc đầu tư sức người, sức của cho nghiên cứu là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài thiết thực chào mừng Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 tuổi.

Nguyễn Doãn Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm ngôi chùa Báo Ân trong lòng đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.