Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi tìm dấu tích thành cổ Ô Diên

Sa Chi| 05/02/2013 07:49

(HNM) -


Dấu tích và niềm tin

Từ các cứ liệu điền dã trong đời sống người dân Hạ Mỗ (Đan Phượng) và bằng chứng khoa học, các nhà nghiên cứu có điều kiện soi rọi từ nhiều hệ quy chiếu khác nhau mà khẳng định chắc chắn đã từng tồn tại một trung tâm chính trị và quân sự mang tên thành Ô Diên. Trung tâm ấy đã từng giữ vai trò quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi, sau 7 năm chắp bút, cuốn sách của cụ Tọa sẽ được xuất bản vào dịp đón xuân Quý Tỵ này.

Cụ Nguyễn Tọa và cán bộ xã thăm đền Văn Hiến, nơi thờ Thái úy Tô Hiến Thành.


Bây giờ về Hạ Mỗ, nếu không phải người lớn lên từ đây với những huyền tích lịch sử, văn hóa thấm đẫm trong trái tim thì thật khó để hình dung ra nơi từng định đô triều Hậu Lý Nam Đế (thời kỳ Tiền Thăng Long).

Hạ Mỗ đang trong quá trình đô thị hóa nhưng không vì thế mà một làng quê với dày đặc các di tích lịch sử mất đi vẻ cổ kính, uy nghiêm của một kinh thành cổ. Đất ấy, những con người vùng quê ấy suốt 15 thế kỷ qua vẫn bền bỉ lưu giữ những chứng tích về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống ách đô hộ tàn bạo ngàn năm Bắc thuộc, ý chí độc lập, tự cường của nhân dân từ thời Lý, Trần, Lê… bảo vệ Kinh đô Thăng Long - Hà Nội từ xa xưa cho đến nay.

15 thế kỷ trôi qua, các dấu tích về thành lũy như: kiến trúc, hình dạng, vật liệu tạo thành và vị trí cụ thể… rất khó xác định. Dường như dấu xưa về thành cổ chỉ còn lưu giữ ở các di tích: đình Vạn Xuân, miếu Hàm Rồng, đền Chính Khí, đền Văn Hiến… “Có thể những tư liệu lịch sử chưa thật vững chắc nhưng có một thứ đã ăn sâu vào tiềm thức các thế hệ người dân xã Hạ Mỗ chúng tôi, đó là thành Ô Diên ở Đan Phượng. Niềm tin ấy đã hội tụ, lan tỏa suốt hàng chục thế kỷ qua. Chúng tôi coi tòa thành ấy như một tượng đài trong trái tim mình. Vì thế, cùng với những tư liệu lịch sử, niềm tin mà người dân quê chúng tôi lưu giữ và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã trở thành cứ liệu đáng tin cậy lắm rồi” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm khẳng định.

Chứng cứ thuyết phục

Trong căn phòng nhỏ với vô số đầu sách cổ, cụ Nguyễn Tọa chia sẻ với chúng tôi mong ước của người dân Hạ Mỗ về một quy hoạch chi tiết khu vực thành cổ Ô Diên, định hướng đầu tư xây dựng di tích nhằm bồi đắp và tiếp sức cho sự phát triển bền vững các giá trị truyền thống cho các thế hệ mai sau. Chỉ có như thế, truyền thống dân tộc mới luôn song hành và trường tồn với thời gian.

Theo lời cụ Tọa, chúng tôi đã ngược dòng lịch sử qua những trang nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Nhật và TS Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học, để hiểu thêm về cổ thành. sự hiện diện của thành cổ Ô Diên đã có khoảng thời gian hơn chục thế kỷ (557-570), là nơi đóng đô của triều Hậu Lý Nam Đế. Từ năm 570 đến 602, thành Ô Diên do Tướng Lý Phổ Đỉnh đóng giữ. Đặc biệt, Ô Diên thành có quan hệ mật thiết với thành Cổ Loa, thành Long Biên. Cổ Loa thành khi ấy thuộc đất Phong Châu, còn Long Biên vốn là lỵ sở của Giao Châu từ thời Ngô đến năm Trường Khánh thứ 4 (821) đời Đường, tổng cộng là 586 năm.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhật cho rằng: “thành cổ Ô Diên gắn liền với một số sự kiện quan trọng của đất nước diễn ra trong thế kỷ VI và VII. Thế kỷ V, nước ta chịu sự đô hộ của nhà Lương. Năm 541, Lý Bí dấy binh đánh đuổi viên đô hộ Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên, phía bắc chống quân xâm lược nhà Lương, phía nam đánh Lâm ấp thắng lợi. Năm 544, Lý Bí xưng là Nam Việt Đế, đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân. Năm 548, Lý Nam Đế bị bệnh nặng, trao quyền lại cho Triệu Quang Phục tổ chức lực lượng chống lại quân Lương rồi mất. Lúc bấy giờ có Lý Thiên Bảo (anh Lý Nam Đế) được mọi người suy tôn làm vua, xưng là Đào Lang Vương, đóng ở Dã Năng, Triệu Quang Phục đóng quân ở đầm Dạ Trạch. Năm 555, Đào Lang Vương mất ở Dã Năng, không có con, mọi người suy tôn Lý Phật Tử lên nối ngôi. Năm 557, Lý Phật Tử đem quân xuống phía đông đánh nhau với Triệu Quang Phục nhiều lần mà không phân thắng bại. Sau, hai bên giảng hòa, chia địa giới ở bãi Quân Thần, Lý Phật Tử về đóng đô ở thành Ô Diên. Năm 570, Lý Phật Tử đánh bại Triệu Quang Phục, dời đô về Phong Châu, giao thành Ô Diên cho Lý Phổ Đỉnh quản giữ… Như vậy, thành Ô Diên chủ yếu gắn với triều Hậu Lý Nam Đế. Dù thất bại trong cuộc kháng chiến chống nhà Tùy, nhưng vai trò của Lý Phật Tử và triều Hậu Lý Nam Đế trong tiến trình lịch sử dân tộc vẫn được ghi nhận… Vì thế thành Ô Diên, nơi định đô ban đầu của triều Hậu Lý Nam Đế có thể được coi là một trong những di tích cổ quan trọng bậc nhất của Hà Nội thời kỳ Tiền Thăng Long”. Ngày nay, Hạ Mỗ vẫn còn nhiều di tích cổ thờ các nhân vật lịch sử có liên quan tới thành Ô Diên như Hậu Nam Đế Lý Phật Tử, Nhã Lang Vương, biệt súy Lý Phổ Đỉnh.

Tiềm thức dân gian và sự thật lịch sử

Người Hạ Mỗ giờ vẫn ghi nhớ bốn câu ca truyền miệng: “Làng chúng tôi Đế vương đất cũ/Người chúng tôi Tể phụ ngày xưa/Và… đất này là đất cố đô/Người trung, trung tự thuở xưa đến giờ”. Các cụ già thường kể rất nhiều câu chuyện về thành cổ, vì sao lại có lễ rước tượng… vào những ngày hội làng. Minh chứng cho câu chuyện còn lưu truyền trong tiềm thức dân gian, cụ Nguyễn Tọa, Phó Bí thư Đảng ủy Bùi Tất Thêm và cán bộ văn hóa xã Nguyễn Xuân Việt đã thật “khéo” khi kéo chúng tôi đi hết tour du lịch văn hóa làng, qua đủ 7 điểm di tích lịch sử còn lưu lại nhiều chứng tích. Đến điểm di tích nào chúng tôi cũng được nghe cán bộ địa phương giải thích cặn kẽ từng câu đối chữ Hán còn lưu lại. theo cụ Tọa, câu nào cũng liên quan ít nhiều đến hai từ Ô Diên. ví như đôi câu đối cổ tại đình Vạn Xuân: “Nam Đế Lý triều quốc hiệu Vạn Xuân, diên đình lưu tích thánh/Ô Diên cảnh thắng đô thành nhất thế, quán tự hiển thần linh” (tạm dịch nghĩa: Triều Lý Nam Đế, tên nước là Vạn Xuân, ngôi đình lớn ghi lại tích của đức thánh/Thắng cảnh đất Ô Diên một thời là Kinh đô, tất cả sự thờ tự rạng rỡ về sự linh thiêng của Thần linh). Hay đôi câu đối tại chùa Hải Giác: “Giáo liệt tam tông Hồng Lạc tảo khai kim thế giới/Cảnh tiên thập vịnh Ô Diên biệt chiếm ngọc càn khôn” (tạm dịch nghĩa: Ba giáo phái cùng truyền đạo lý, con cháu Lạc Hồng sớm mở hoàn cầu quý như vàng bạc/Mười bài thơ ca ngợi cảnh về trước, kinh thành Ô Diên giữ riêng trời đất đẹp tựa ngọc ngà)... Như vậy, có một sự thật đã rõ, hầu hết các thiết chế tôn giáo (đình, chùa, đền, miếu) tín ngưỡng quan trọng ở Hạ Mỗ đều còn lưu giữ những tư liệu Hán Nôm, câu đối nhắc nhở tới địa danh thành Ô Diên.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã nhận định, trong tất cả các thần thoại, truyền thuyết, sắc phong, thần tích… bao giờ cũng có “hạt nhân lịch sử”. Theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, “Truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình tha thiết của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của trí tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời yêu thích”. Như vậy, cố Thủ tướng đã gợi mở thêm cách tiếp cận di sản văn hóa mới. đó là phương pháp tạo lập mối dây liên kết giữa hai loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể để tìm ra sự thật lịch sử.

Không phải đâu xa, ngay tại Hạ Mỗ bây giờ vẫn còn lưu truyền trò chơi đua thuyền bắt vịt, nấu cơm thi vào ngày hội làng, 12 tháng Giêng. Theo cách lý giải khá logic của cụ Tọa thì người Hạ Mỗ vốn là gia thần thủ túc của Hoàng tử Lý Bát Lang, đã từng theo ông đánh giặc bảo vệ thành Ô Diên. Mà thành thì lại nằm ở cửa sông. Vì thế trò chơi dân gian này chính là cách luyện quân tốt nhất.

Đưa ra những dẫn chứng trên để thêm một lần khẳng định, những phong tục, tập quán, những tích diễn dân gian còn lưu truyền sâu đậm trong tiềm thức người dân mang tính chất “hồi quang lịch sử”. đó rất có thể là hướng gợi mở để các nhà khoa học tiếp cận, nghiên cứu và xác định về chứng tích của một di sản vật thể - thành cổ Ô Diên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm dấu tích thành cổ Ô Diên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.