Vì nhiều lí do, không ít di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng. Nhưng bị xâm hại một cách nhẫn tâm như Khu di tích lịch sử lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) thì ai cũng phải động lòng.
Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm
Nguyễn Trọng Hợp, hiệu là Kim Giang, người làng Kim Lũ (phường Đại Kim bây giờ), sinh năm 1834. Ông đỗ tiến sĩ năm 1865 và làm quan dưới các triều Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, từng giữ chức Văn minh điện đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần, Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Ông mất ngày 20-4 năm Thành Thái thứ 14 (1902). Nguyễn Trọng Hợp làm quan vào giai đoạn thực dân Pháp đã đánh chiếm xong miền Bắc và đặt ách thống trị lên toàn đất nước ta. Trong suốt cuộc đời làm quan, tuy không thuộc phe chủ chiến song theo nhìn nhận của các nhà sử học Nguyễn Trọng Hợp là ông quan yêu nước, thương dân, đồng thời là một nhà văn hóa có những cống hiến đáng kể về phương diện sử học, văn học. Ông chính là một trong các tổng tài của bộ sử đồ sộ Đại Nam thực lục, tổng tài phần Đệ tứ kỷ, gồm 71 quyển, viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1847- 1883, một trong những giai đoạn tang thương nhất của lịch sử nước nhà... Ông còn để lại Kim Giang văn tập, ngót 700 trang, cung cấp khá nhiều tài liệu lịch sử có giá trị đối với việc nghiên cứu tình hìnhchính trị, xã hội đương thời.
Đánh giá một cách công bằng những công trạng trong cuộc đời làm quan của ông, Bộ Văn hóa- Thông tin ra Quyết định số 2379/QĐ-BT, ngày 5-9-1994, công nhận Khu lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp là di tích lịch sử cấp quốc gia (tại điều 1). Điều 2, trong quyết định này, cũng ghi rõ “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin”.
Mười năm sau, từ khi được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, những gì còn lại ở khu lăng mộ Nguyễn Trọng Hợp là một quang cảnh hoang tàn, đổ nát và lạnh lẽo. Trên phần đất khu mộ, nơi bị xâm hại nhiều nhất, cây cỏ dại mọc um tùm, gạch cát, phế thải xây dựng tập kết bừa bãi. Cổng khu mộ đã han gỉ, phủ lửng lơ tấm bạt; biển đề tên di tích long rời không biết tự bao giờ. Và ngay trước tấm bia đá “Lăng mộ cụ Nguyễn Trọng Hợp, di tích lịch sử đã xếp hạng- cấm vi phạm” người ta đổ đá ngổn ngang. Càng thương tâm hơn khi biết tình trạng xâm hại có một quá trình rất lâu từ trước khi khu mộ được công nhận di tích lịch sử (cấp quốc gia - PV nhấn mạnh). Vì đâu lại như vậy?
Theo đơn thư của dòng họ cụ Nguyễn Trọng Hợp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tranh chấp về đất đai khu vực lăng mộ giữa dòng họ với Công ty X 49. Nguồn cơn sự việc như sau: Năm 1977, được sự đồng ý của chính quyền các cấp và đại diện Nguyễn tộc, trung đoàn 289, Bộ Tư lệnh Công binh, đã mượn khu đất để phần mộ Nguyễn Trọng Hợp xây dựng Sở Chỉ huy của Bộ phục vụ chiến tranh biên giới. Năm 1982, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trung đoàn di chuyển địa điểm đóng quân, toàn bộ đất đai doanh trại (bao gồm cả khu vực đất mượn) được bàn giao cho tiểu đoàn 73 (Bộ Tư lệnh Công binh). Sau đó, năm 1988, tiểu đoàn 73 lại bàn giao khu vực cho X 49, nay là Công ty X 49. Sau nhiều năm, diện tích khu vực đất mượn và diện tích đất để khu mộ không còn rõ ràng, dẫn đến không thể cắm mốc giới khu di tích. Theo biên bản cuộc họp ba cấp (chính quyền địa phương, huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội) đề nghị xếp hạng di tích thì khu vực I, gồm bản thân di tích, là khu vực bất khả xâm phạm, có diện tích 600 m2 (trên thửa đất số 135, dài 40m, rộng 15 m). Khu vực II, bao quanh, tiếp giáp di tích có diện tích 48 m2. Song bên phía Công ty X 49 không đồng ý như vậy.
Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, tộc họ Nguyễn xây lại tường bao, cổng khu mộ theo diện tích dành cho khu vực I nhưng sau đó bị phá đi. Cứ thế, khu di tích mỗi ngày một bị hoang hóa. Bức xúc, đau đớn trước tình trạng này, mười mấy năm trời ròng rã, con cháu cụ Nguyễn Trọng Hợp đã đội đơn kêu cứu các cơ quan, ban ngành chức năng từ địa phương đến Trung ương mong được xem xét, giải quyết. Ngày 29-6-1990, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu UBND thành phố chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa- Thông tin- Thể thao và du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh xem xét, giải quyết vấn đề. Lần gần đây, Bộ Văn hóa- Thông tin cũng có công văn gửi UBND thành phố đề nghị xem xét nhằm giải quyết dứt điểm. Trước đó, Sở Văn hóa- Thông tin nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc. Có thể thấy rằng không chỉ gia tộc cụ Nguyễn Trọng Hợp vất vả mà nhiều cơ quan chức năng cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực, công sức song đến nay tình trạng của di tích lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp thương tâm như thế nào thì ai cũng thấy.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Ngà, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin quận Hoàng Mai cho biết, hướng xử lý vi phạm nêu trên là “cần thực hiện theo đúng Luật Di sản văn hóa, trong thời gian sớm nhất có thể, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của một di tích lịch sử. Theo đó, phải tiến hành cắm mốc giới ngay để trùng tu, tôn tạo lại khu di tích”. Nếu không giải quyết được vấn đề mấu chốt này, tình trạng khu di tích sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Hà Nội đang cùng cả nước hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không thể để một di tích lịch sử bị hoang phế như thế này
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.