Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi quán bar, phòng trà nghe nhạc

TUYETMINH| 18/10/2004 10:39

Không phải chỉ đến những sân khấu lớn, bạn mới được sống trong bầu không khí của âm nhạc. Khi đến các quán bar, phòng trà... bạn có thể cảm nhận một phần của đời sống âm nhạc đa dạng ở TPHCM hiện nay…

Nhạc trẻ góp phần làm sôi động các quán bar

Không phải chỉ đến những sân khấu lớn, bạn mới được sống trong bầu không khí của âm nhạc. Khi đến các quán bar, phòng trà... bạn có thể cảm nhận một phần của đời sống âm nhạc đa dạng ở TPHCM hiện nay…

“Nhạc sang”...

Không biết có phải vì kén khách hay vì những người thuộc tầng lớp trung lưu trí thức yêu thích nên dòng nhạc tiền chiến, trữ tình, đã được một số phòng trà, quán bar sử dụng trong hầu hết các chương trình và các nơi này được mệnh danh là nơi chuyên trị “nhạc sang”. Có thể kể tên các phòng trà như Tiếng Tơ Đồng, Đồng Giao, M & Tôi, ATB…

Âm nhạc ở những nơi này chỉ thực sự bắt đầu lúc 20g30 và kết thúc lúc 23g mỗi đêm. Không gian lịch sự với hoa tươi, nến trên bàn, ca sĩ nam mặc những bộ veston, ca sĩ nữ mặc áo dài hay những chiếc đầm dạ hội không lố lăng, đầy trịnh trọng và khi âm nhạc trỗi lên và khán giả im lặng để thưởng thức. Ít có khán giả nào về giữa chừng… Không kể các sân khấu ca nhạc lớn thì phòng trà, quán bar “nhạc sang” là nơi mơ ước của không ít ca sĩ trẻ.

Hoàn toàn không dễ dàng để được chọn hát nơi đây dù cho bạn có một chất giọng đặc biệt. Đã từ lâu phòng trà, quán bar hình thành một dòng ca sĩ riêng. Đây là dòng nhạc kén người nghe và kén cả người hát. Các ca sĩ hát dòng nhạc này mà có thể đứng được trong lòng khán giả thành phố không nhiều, chỉ khoảng trên dưới mười người, như các ca sĩ Lan Ngọc, Khắc Dũng, Vân Khánh, Mỹ Dung.Nhiều ca sĩ trẻ đã bắt đầu theo đuổi dòng nhạc này, nhưng vẫn khó thay thế được các ca sĩ đàn anh… Một ca sĩ từng đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình cho biết cô chỉ trụ được ở phòng trà Tiếng Tơ Đồng đúng 3 lần, và “khi không thấy gọi nữa, có nghĩa mình đã được cho nghỉ… hát. Lý do, họ chẳng nói nên cũng không biết vì sao?”. Ngày càng có thêm nhiều phòng trà, quán bar “nhạc sang” được mở ra và luôn thu hút một lượng khách nhất định.

Cũng có khi dòng nhạc Việt sang trọng được chuyển sang các thể loại nhạc nổi tiếng thế giới như Châu Mỹ Latinh, Jazz, Rock n’Roll… Thứ nhạc này thu hút cả khách nước ngoài đến thưởng thức âm nhạc. Các quán bar như Yesterday, Carmen, Digan… đã mang tới cho âm nhạc ở các phòng trà ca nhạc một sinh khí mới. Một loạt ca sĩ chuyên nhạc ngoại cũng được khách thuộc tên, thuộc mặt như Du Sô – “chàng cao bồi” người Chăm “chuyên trị” những ca khúc Tây Ban Nha với chiếc nón rộng vành sặc sỡ. Khán giả cũng nhớ tới Du Sô với ca khúc nhạc Jazz quen thuộc của Louis Amstrong “What a wonderful world” với chất giọng khàn đặc. Du Sô khoe: “Nhiều khách nước ngoài đi nghe nhạc thường chào tôi “Hi, Louis”. Những ca sĩ nhạc Jazz của phòng trà còn được kể đến như: Tuyết Loan, Cao Minh, Quang Minh… hát ở phòng trà 2B. Hay Quang Vĩnh – một anh chàng chuyên trị nhạc Pháp, anh chàng Tấn Trung với những ca khúc nổi tiếng “Quando Quando”, “Hotel Califonia”… của bar Yesterday.

Sôi động nhất vẫn là nhạc trẻ...

Một trong những thú tiêu khiển của “dân chơi” trẻ Sài Gòn đó là: đi bar. Không khí ở bar trẻ trung, sôi động, cuồng nhiệt. Họ lắc lư theo lời ca, điệu nhảy bốc lửa của các ca sĩ. Họ bàn tán về đời tư, về những câu chuyện tình của ca sĩ… Những câu chuyện ấy được hét vào tai nhau vì nhạc quá lớn. Hàng đêm phòng trà MTV, Bar 2000, Cao Phong, 888, Number 1, Lê Minh… thu hút về quán hàng trăm bạn trẻ như thế. Chất Sân khấu dành cho nhạc trẻ nhạc hip hop, pop, rock, rap là sở trường của những nơi được xem dành riêng cho giới trẻ. Những nhóm nhạc trẻ chọn MTV làm đất dụng võ, mỗi đêm ngoài ca sĩ, ở đây có tới 3,4 nhóm nhạc thi thố tài năng. Chưa hết, giữa buổi trình diễn luôn là phần trình diễn của các DJ với thứ nhạc kích động mạnh mẽ, với ánh sáng laser quét khắp nơi. Còn với Number 1, hay 888, chỉ cần bước chân vào ngưỡng cửa là có thể cảm nhận được bầu không khí âm nhạc như muốn nổ tung.

Trẻ trung, sôi động, nhưng đây cũng chính là những nơi nhốn nháo nhất trong mặt bằng chung của các tụ điểm ca nhạc. Quyết định chọn ca sĩ thuộc về các biên tập của quán bar, phòng trà. Không có gì là lạ khi một biên tập đi tới đâu là dời nguyên đội ngũ ca sĩ ruột của mình tới đó. Có thể xem biên tập là ông vua của các quán bar. Muốn được vào hát, ca sĩ phải biết điều. Cái sự biết điều ấy rất đa dạng, không ai giống ai. Có nơi, thậm chí ca sĩ phải chấp nhận hát mà không có thù lao. Thông thường nhất là chia tiền cát-sê theo tỉ lệ và đối với ca sĩ nữ có khi còn phải “chia tình”… (buồn thay!). Một ca sĩ với thâm niên hàng chục năm trong nghề nói: “Sài Gòn là nơi dang tay rộng mở đối với mọi ca sĩ, nhưng đó cũng là nơi chẳng cần ai…”.

Các quán bar, phòng trà ca nhạc đã chứng minh điều đó. Vẫn có hàng trăm ca sĩ mơ ước được hát ở đây. Và những ca sĩ ở đây vẫn nuôi mộng để bước lên các sân khấu lớn hơn. Khán giả chứng kiến số lượng ca sĩ nổi tiếng trên những sân khấu ca nhạc hàng đêm, tuy nhiên ít ai biết được rằng đây là một con số rất nhỏ so với lực lượng ca sĩ khổng lồ đang hành nghề tại thành phố.

Theo SGGP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi quán bar, phòng trà nghe nhạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.