(HNM) - Không tính những đề tài thời sự, Nguyễn Ngọc Tiến đang là cây bút chủ lực của mục "Phóng sự - Ký sự - Tư liệu" trên Báo Hànộimới. Cuốn "Đi ngang Hà Nội" tập hợp 32 bài viết của anh, đa phần xuất hiện ở mục trên, cho thấy những "ngóc ngách" mới thú vị của Thủ đô từ quá khứ đến hiện tại.
Bìa cuốn sách “Đi ngang Hà Nội” . |
Đề tài viết toàn những thứ rất Hà Nội: bia hơi, ô tô, tem phiếu, kem, xe tay, xích lô, phở, xẩm tàu điện, cà phê… Ngọc Tiến nhẩn nha kể từ "đời ông bành tổ" của "đối tượng", những diễn biến cho đến hôm nay. "Phở" là thứ đã được nhiều tên tuổi đụng đến, để đời những trang viết, nhưng cách tiếp cận của Ngọc Tiến vẫn mang lại cái mới, như thể có cả một "lịch sử phát triển của vấn đề phở". Lối viết rì rầm "như kiến bò", có chỗ hóm mà lạnh, chỗ hơi "phẳng" (giá anh chú ý những chỗ xuống dòng hơn…) khiến người đọc phải nghĩ sao mà biết lắm, nhớ lắm đến thế được. Đấy là cả một công phu lao động nghiêm túc, tìm tư liệu trong sách báo cổ kim, trên mạng, đối chiếu, nghĩ ngợi, thể hiện. Và làm báo nên không thể không nghĩ cách sao cho "nó" ra được với người đọc.
Có hai bài tôi cho là mang đặc trưng đô thị nhất, một về một Hà Nội lấm lem, dính tới thời ăn chưa no, mặc chưa ấm và một về thú chơi sang trọng, không phải những anh đang cầm gậy gôn ve vẩy nào cũng chạm đến được. "Xe đạp ơi" cho biết phương tiện này vào ta thế nào, thăng trầm, gắn với ông Xuân Diệu nổi tiếng, với người bình dân ra sao. Xe đạp một thời có lẽ quan trọng với đời người ta hơn xe máy bây giờ, thông qua những câu ca nghe rầu lòng. Sau khi tỉ mỉ kể vô ối cách thức chữa xe, những vá sống, chín, khâu tanh, rút vành…, Ngọc Tiến hùng hồn luận: "Nếu lịch sử xe đạp thế giới không có phần biến cỡ lốp to thành lốp nhỏ như ở Việt Nam thì xem ra chưa đầy đủ, vì chỉ duy nhất Hà Nội làm chuyện này". Một quan sát khác hóm hỉnh: "Buổi sáng, trên đường Nguyễn Trãi, cảnh nữ sinh trường Kiến trúc, Ngoại ngữ ngồi trên gióng xe đua đến trường không hiếm. Ngày nắng, đường khô ráo, nàng âu yếm nhìn chàng thật lãng mạn, nhưng ngày mưa thì…". Sang bài "Chơi đĩa than", sự trải nghiệm của tác giả còn "độc" hơn, vì khối anh giàu nứt đố vào địa hạt này thành "vịt". Phải có quan hệ với dân chơi (thành phố đâu có nhiều), hiểu biết về âm nhạc và tỉ tỉ thứ nữa mới bật ra được cái chi tiết "âm thanh của đĩa than là analog nên rất trung thực trong khi âm thanh đĩa CD là digital nghe nịnh tai vì kỹ thuật digital cho phép có thể chỉnh sửa các khiếm khuyết của âm thanh", "âm thanh đĩa CD giống như cô gái đã qua thẩm mỹ, còn âm thanh đĩa than giống như cô gái mặt mộc".
Các bài trong sách thường có độ dài và kết cấu gần giống nhau, vì viết để đăng báo. Điều đó dễ làm người đọc mệt. Ngọc Tiến có những chỗ "rẽ ngang" có duyên để khắc phục điều ấy, như đoạn "đái cho hết năm hào" khi viết về bia hơi. Những "bài thơ" đối đáp trong "Đổ thùng hay chuyện về… phân" đọc rất thích. Kể về cái tục mà không gây cảm giác tục thật khó. Nhưng có khi anh ham rẽ quá mà ảnh hưởng đến kết cấu, như ở "Điếm xưa điếm nay", "Bia hơi". Phần kết nhiều bài "nhẹ hều", cứ như đang kể thì hết chuyện, đem lại cảm giác tiếc, giá được nghe câu gì véo von một chút, đanh đá một chút có phải hơn không… Cũng có những câu của "víp" nào đó đem làm kết, tôi thấy chẳng cần thiết lắm.
"Hà Nội là cái mỏ lớn để tìm biết, chiêm nghiệm, viết ra", sách "Đi ngang Hà Nội" gợi ra ý nghĩ này. Không nhìn đô thị của chúng ta theo con mắt đạo đức mà theo chiều lịch sử, hiện thực xã hội, cũng không đưa ra những "kiến nghị", "giải pháp", tôi thích thái độ này của Ngọc Tiến. Nhiều nhà báo khi có tuổi có xu hướng khảo cứu, anh là một trong số đó. Tôi mong đến một lúc được thấy Tiến "đi sâu" vào Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.