(HNM) - Ngay sau thời khắc Giao thừa Tết Kỷ Hợi 2019, người dân Hà Nội đã tới các khu vực đình, chùa, phủ... trên địa bàn để lễ cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân, gia đình và cầu cho quốc thái dân an.
Vẫn diễn ra tình trạng bán hàng rong trước cổng chùa Hà (quận Cầu Giấy). |
Nhiều chuyển biến đáng ghi nhận
Sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi 2019 (tức ngày 5-2), phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ) hòa cùng dòng người tấp nập vào chùa lễ cầu may mắn, bình an cho bản thân và gia đình. Tại đây, có nhiều du khách nước ngoài cũng tới chùa tham gia phong tục đón Tết của người Việt Nam. Điều dễ nhận thấy là dù lượng khách đến đây rất đông, nhưng không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy nhau khi vào lễ chùa.
Chị Đặng Kim Dung, phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Người Việt Nam luôn coi trọng việc lễ đầu xuân. Bởi vậy, tôi rất cẩn thận trong việc chọn trang phục khi đi lễ chùa. Những ngày đầu xuân năm mới mẹ con tôi thường mặc áo dài đi lễ chùa".
Tại Khu di tích lịch sử đình, chùa, Bia Bà (phường La Khê, quận Hà Đông), ngay sau thời khắc Giao thừa, hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương đã đến thắp hương, khấn lễ. Do lượng khách đến lễ tại khu di tích này rất đông nên công tác tuyên truyền được Ban Quản lý di tích đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh. Tại đây được lắp đặt các tấm pa nô hướng dẫn du khách đến hành lễ thế nào cho đúng và khuyến cáo người dân mặc trang phục lịch sự, kín đáo khi hành lễ, không thắp hương trong đình, chùa... Ngoài ra, Ban Quản lý di tích còn liên tục phát trên loa những nội dung trên để tất cả du khách đến hành lễ đều biết và thực hiện.
Tương tự, tại một số địa điểm khác như: Chùa Hà (quận Cầu Giấy), phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm)... người dân đi lễ đầu Xuân đã nâng cao ý thức, giữ gìn sự trang nghiêm khi đến lễ. Tại chùa Hà, mặc dù người đến lễ chùa đông đúc nhưng khu vực sân và trong chùa rất sạch sẽ do luôn có người quét dọn và nhắc nhở người đến lễ bỏ rác đúng nơi quy định.
Bên cạnh đó là các biển hướng dẫn người dân: "Không cắm hương ở gốc cây, chậu cảnh"; hoặc "Mỗi người chỉ thắp một nén hương". Những kết quả này có được là do nhiều năm nay, Ban Quản lý các khu di tích đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhắc nhở kịp thời, đúng lúc những hành vi chưa chuẩn mực khi hành lễ. Điều này đã hạn chế tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy, đốt hương, vàng mã tràn lan...
Những “hạt sạn” cần loại bỏ
Bên cạnh những chuyển biến tích cực nêu trên, đáng tiếc trong những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi vẫn còn một số bạn trẻ ăn mặc quần áo, váy quá ngắn, khiến lực lượng bảo vệ các chùa, khu di tích... phải nhắc nhở và ngăn không cho vào chốn linh thiêng. Đặc biệt, tại phủ Tây Hồ, nhiều người khi dâng lễ vẫn đặt tiền lẻ lên mâm lễ hoặc tại các ban thờ, cài vào tay tượng, lọ hoa.
Theo quan sát của phóng viên tại chùa Hà, mặc dù Ban Quản lý chùa hướng dẫn: "Mỗi người chỉ thắp một nén hương", tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng người dân thắp cả bó hương hoặc cầm hương khấn khiến khói bay nghi ngút, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Phía ngoài cổng chùa, người bán hàng rong, đồ chơi, đồ ăn, bán muối, gạo mời chào làm phiền lòng du khách khi đến lễ.
Tình trạng rải tiền lẻ ở các ban thờ, cài vào tay tượng Phật cũng diễn ra tại một số chùa như chùa Ái Mộ (quận Long Biên); chùa Vạn Niên (quận Tây Hồ), Khu di tích lịch sử đình, chùa, Bia Bà ... Chị Trần Thu Uyên, phường Ngọc Thụy cho biết, năm nay mọi người đến lễ chùa Ái Mộ có ý thức hơn rất nhiều. Không còn tình trạng đốt hương nhiều khiến khói bay nghi ngút trong chùa, không đặt vàng mã trong mâm lễ. Tuy nhiên, tình trạng rải tiền lẻ ở các ban thờ vẫn phổ biến, đáng nói vẫn còn hiện tượng người dân đến khấn lễ chen lấn, nói to ảnh hưởng đến người xung quanh.
Trong dịp Tết Nguyên đán, người dân đi vãn cảnh và lễ đình, chùa tăng mạnh nên xung quanh các di tích đình, chùa vẫn xảy ra tình trạng một số điểm trông giữ xe không phép "mọc lên", nhiều điểm tự ý tăng giá cao gấp 3-4 lần ngày thường.
Chẳng hạn, tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa), người dân tự lập các điểm trông xe sát chân cầu vượt, thu mỗi ô tô 100 nghìn đồng/lượt, xe máy 20 nghìn đồng/lượt. Tại điểm trông giữ xe đối diện đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) vào 16h ngày mùng 2 Tết, phóng viên nhận thấy nhiều du khách phải trả 10 nghìn đồng/lượt trông giữ xe máy.
Anh Nguyễn Minh Thi, phường Mai Động (Hoàng Mai) bức xúc nói: "Với giá vé xe máy thu 10 nghìn đồng/lượt là quá cao so với quy định. Dù đắt nhưng tôi cũng phải chấp nhận vì hầu như bãi gửi xe nào cũng tự tăng giá như vậy...".
Tại Khu di tích lịch sử đình, chùa, Bia Bà La Khê, dù đã có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc "dẹp" điểm trông giữ xe tự phát xung quanh khu vực, nhưng do lượng khách đến lễ tại đây tăng đột biến nên nhiều gia đình vẫn căng dây trông giữ xe máy không phép với giá 10 nghìn đồng/lượt...
Trong dịp năm mới sẽ còn có nhiều lễ hội diễn ra. Do vậy, rất mong chính quyền các địa phương, Ban Quản lý các di tích đình, chùa, đền, phủ... trên địa bàn Hà Nội sớm chấn chỉnh những tồn tại, loại bỏ những “hạt sạn” kể trên để mỗi người dân đều cảm thấy thoải mái, an tâm khi đi lễ đầu năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.