Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi hết nỗi chông chênh phận người!

Thi Thi| 13/04/2014 06:22

(HNM) -



Một giọng văn nhẩn nha, thâm thúy, đôi chỗ "điểm huyệt" bằng cái dí dỏm. Sách được NXB Trẻ ấn hành và giới thiệu với bạn đọc đầu tháng 4 vừa qua, do TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đồng thời cũng là một tác giả tản văn, truyện ngắn viết lời giới thiệu. Hànộimới có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Thị Hậu về tác phẩm này.

Tập truyện “Gót Thị Mầu, đầu Châu Long”.


- "Gót Thị Mầu, đầu Châu Long" ghi là truyện giả cổ - một cách định dạng thể loại cho người đọc. Nhưng bà thì lại có cách gọi khác: "Đây là những truyện truyền thần"?

- Đọc những trang viết của nhà văn Trần Chiến tôi như được nghe những câu chuyện kể bằng giọng văn nhẩn nha đủng đỉnh như có vẻ rề rà, giọng điệu ngôn ngữ dân dã, những tên đất, tên làng, tên người "nôm na mách qué". Những nhân vật lưu dấu ngàn đời trong dân gian hiện về không chỉ trong thân xác mà còn trong cái "thần" được truyền đến lớp hậu duệ thời nay. Ông bà mình thường nói "con nhà tông không giống lông thì giống cánh", những lông những cánh ấy đang ngổn ngang khắp nơi, nhìn đâu cũng thấy những "chiếu chèo" của "văn hóa làng xã", từ ứng xử ngoài đời đến hành xử chốn công quyền… Vì vậy, hầu như tất cả truyện của nhà văn Trần Chiến là "tích xưa" nhưng "trò" không hề xưa cũ. Truyện truyền thần là vì vậy.

- Sự cộng hưởng mạnh mẽ giữa lịch sử và văn chương như hiện nay đã mở ra cho người viết một thế giới sáng tạo, luận giải đời sống hết sức sâu rộng. Theo bà, cuốn sách này nằm trong bầu không khí chung đó hay vẫn là mạch văn vốn có từ lâu của nhà văn Trần Chiến?

- Tôi không phải là người nghiên cứu về văn chương mà chỉ là một người thích đọc và có chút kiến thức về lịch sử, vì vậy có lẽ không thể mạo muội nhận xét điều gì to lớn. Nhưng theo tôi, quá khứ luôn hiện diện trong mỗi con người và lịch sử là một phần không thể thiếu của mỗi xã hội. Quan niệm "văn sử bất phân" của phương Đông có thể hiểu như vậy khi trong nhiều tác phẩm văn học, sự kiện hay nhân vật lịch sử là một "cái cớ", một cú hích để nhà văn nói ra được điều cần nói về ngày hôm nay. Bài học, kinh nghiệm từ lịch sử như "cái phao" nhà văn ném ra để người đọc bám vào đó mà tự lý giải những chông chênh của cuộc sống hiện đại qua những trang viết. Nhà văn Trần Chiến thường viết theo cách này và theo tôi, ông đã thành công.

- Ở góc nhìn của một nhà làm sử và quan tâm tới văn học, "Gót Thị Mầu, đầu Châu Long" mang lại cho bà những cảm nhận gì mới trong phương pháp tiếp cận của sử học hiện đại?

- Tôi luôn nghĩ rằng, lịch sử là một phần quan trọng và nằm trong tiến trình văn hóa, không thể tách rời khỏi văn hóa. Không có nền tảng và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa thì khó mà luận giải lịch sử một cách khách quan và công bằng. Bởi vì muốn tìm hiểu một sự kiện, một nhân vật lịch sử một cách thấu đáo cần đặt trong bối cảnh xã hội cụ thể, tức là đặt sự kiện đó, nhân vật đó trong môi trường văn hóa của thời bấy giờ. Các quan hệ xã hội, giao tiếp cá nhân, tính cách, lối ứng xử… của một con người luôn giúp ta hiểu hơn về "số phận" của họ. Số phận một dân tộc, một quốc gia có lẽ cũng được "sắp đặt" từ những điều như vậy.

- Tuy nhiên, không phải khi nào các nhà sử học, nhà văn cũng đồng quan điểm với nhau?

- Văn học và sử học phản ánh lịch sử từ những góc nhìn khác nhau nhưng đều nhằm "tìm" tất cả những gì có thể để "hiểu" lịch sử. Văn học, từ những nhân vật trong đời sống hằng ngày, qua nội tâm của họ, cho ta một cách nhìn về quá khứ vừa cụ thể, gần gũi, lại vừa bất ngờ, phong phú… Những nhân vật lịch sử - ngoài con người chính trị họ còn là con người cá nhân, con người của gia đình, xã hội… Chân dung các nhân vật lịch sử trong văn học được đặt trong bối cảnh rộng hơn, ngoài một sự kiện cụ thể. Tất nhiên không thể coi một tác phẩm văn chương, nhất là các chi tiết trong đó là "sử liệu" để rồi phê phán nó như một công trình sử học. Nhưng văn học có thể giúp ta hiểu thêm được những góc khuất của lịch sử mà các bộ sách chính sử không thể ghi nhận đầy đủ và toàn diện.

Văn học viết về lịch sử, với các sự kiện chính trị đã được ghi chép trong chính sử thì khi sử dụng cần tôn trọng, cũng nên đối chiếu so sánh giữa nhiều nguồn sử liệu, nhất là những công trình mới.

- Hóa thân vào hàng loạt thân phận phụ nữ "nổi danh" như Thị Mầu, Châu Long, Thúy Vân… với những khát khao, đau đáu rất đàn bà, rất con người, hình như đây là một nét mới mẻ, hấp dẫn của tập truyện ngắn này?

- Những nhân vật nữ nổi tiếng trong dân gian cũng được nhà văn Trần Chiến nhìn từ góc khuất của số phận người phụ nữ mà số đông người khác ít biết. Góc nhìn ấy cho người đọc thấy rằng, phụ nữ ở thời nào cũng có những nỗi đau, những khát khao, những dằn vặt… Tôi vẫn cho rằng những chuyện/truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian không bao giờ chỉ có một ý nghĩa "bề nổi" chúng ta dễ nhận biết, mà những gì ông cha để lại chính là tầng nghĩa ẩn sâu, "ngôn tại ý ngoại". Hiểu được ý nghĩa sâu xa đó mới thực sự có được bài học từ quá khứ. Nhà văn Trần Chiến đã "khai quật" tầng sâu ý nghĩa về thân phận những người phụ nữ nổi danh đó.

- "Giọng điệu nhẩn nha, dí dỏm nhưng hết sức chắt lọc, tính cách sĩ phu Bắc Hà hòa quyện với chất liệu dân gian" của tác giả đã góp phần tạo nên nét riêng của tập truyện. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức với nhiều bạn đọc trong tiếp cận tác phẩm này?

- Tôi không cho rằng tác phẩm của nhà văn Trần Chiến "làm khó" bạn đọc. Ngược lại, tôi nghĩ những nét riêng của tập truyện này sẽ hấp dẫn người đọc, vì đọc nó ta như gặp lại người quen nhưng trong một diện mạo mới, nhớ lại một phần ký ức nhưng bỗng hiểu thêm nhiều điều. Và những sự liên tưởng bất chợt sẽ làm cho người đọc nhận ra nhiều điều sâu sắc trong cái xô bồ, hỗn độn của ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi hết nỗi chông chênh phận người!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.