Điểm nóng

Di dời người Palestine khỏi Gaza:Kịch bản nhiều hệ lụy nguy hiểm

Hoàng Linh 10/02/2025 - 07:46

Ý tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc di dời toàn bộ người dân Palestine ra khỏi Dải Gaza để từng bước biến nơi đây thành một “vùng đất hứa” đã "gây sốt" cho cộng đồng quốc tế. Hầu hết ý kiến phân tích đều cho rằng, đây là kịch bản viễn tưởng và không thể triển khai trong thực tế.

palestine.jpg
Người dân Palestine trở về nhà sau khi chiến sự tại Gaza tạm lắng.

Chuyện về Gaza không mới trong các lần phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong ngày nhậm chức 20-1, nhà lãnh đạo này từng đề cập tới Dải Gaza, nói rằng đây là nơi "có thể thực hiện những điều đẹp đẽ”. Ngày 26-1, ông tiếp tục đề xuất chuyển người Palestine đến Ai Cập và Jordan để "dọn sạch" Gaza.

Tuy nhiên, động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ đã thực sự thu hút sự chú ý khi ông xuất hiện cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4-2 tại Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ cho biết, Israel sẽ bàn giao Gaza cho Mỹ sau khi xung đột kết thúc và Washington sẽ "tiếp quản, sở hữu" Gaza và hy vọng, người Palestine ở đó sẽ "đến các quốc gia khác".

Ý tưởng đưa người Palestine ra khỏi Dải Gaza ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích và nhiều bình luận trái chiều. Chính quyền Palestine khẳng định, lãnh thổ của người Palestine không phải để bán và "không phải là một dự án đầu tư". Văn phòng Tổng thống Mahmoud Abbas nêu rõ, người Palestine "sẽ không từ bỏ một tấc đất nào, dù là ở Dải Gaza hay Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem - thủ đô của Nhà nước Palestine".

Còn Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nêu rõ: “Trong quá trình tìm kiếm giải pháp, chúng ta không được làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn". Đồng thời, ông nhấn mạnh, bất kỳ nền hòa bình bền vững nào cho Gaza cũng đòi hỏi sự tiến triển thực tế, "hướng tới giải pháp hai nhà nước, cũng như việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, với Gaza là một phần không thể thiếu".

Liên đoàn Arab (AL) cảnh báo, những hành động như vậy sẽ làm suy yếu sự nghiệp của người Palestine và sự ổn định của khu vực. Khối gồm 22 nước này cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Jordan và Ai Cập trong việc phản đối di dời người Palestine từ Gaza sang Ai Cập, Jordan và các quốc gia Arab - Hồi giáo khác.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ trong một thông báo rằng: "Gaza là Gaza của người Palestine, là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Palestine, không phải là con bài mặc cả chính trị...".

Chưa bàn tới sự phản đối, các nhà quan sát cũng không đánh giá cao tính khả thi của ý tưởng này và cho rằng, viễn cảnh 2 triệu người Palestine bị trục xuất khỏi đất đai của họ là “bất khả thi”. Bởi lẽ, sau “bài học Nakbar” năm 1948 dẫn đến sự hình thành nhà nước Israel, phần lớn người dân Gaza lúc này sẽ không chấp nhận ra đi, dù là tạm thời hay vì lời thuyết phục nào. Kịch bản cưỡng chế nhằm đẩy người Palestine khỏi Gaza cũng khó thành công, và chắc chắn sẽ vấp phải kháng cự vũ trang dai dẳng.

Mặt khác, các chuyên gia về chính sách đối ngoại đều cho rằng, khu vực Gaza đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo với nguồn cung cấp thực phẩm và nước sạch không đủ, hệ thống bệnh viện trên bờ vực sụp đổ, người dân sống trong lều tạm và hàng trăm nghìn người cần hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, việc cưỡng bức di dời chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo; khiến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân gặp nhiều rủi ro hơn.

Giới phân tích nhận định, ý tưởng cưỡng ép người Palestine ra khỏi Dải Gaza là vi phạm luật pháp quốc tế. "Quyền tự quyết là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và phải được tất cả các quốc gia bảo vệ... Bất kỳ hành vi cưỡng bức chuyển giao hoặc trục xuất người dân khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng đều bị nghiêm cấm", Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk nêu rõ.

Đối mặt với làn sóng phản đối, nhiều quan chức trong chính quyền mới của Mỹ đã có phát biểu xoa dịu tình hình. Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết, các phát biểu của Tổng thống Donald Trump về Dải Gaza nên được hiểu là việc Washington bày tỏ sẵn sàng nhận trách nhiệm phục hồi dải đất này. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, đây không phải "động thái thù địch", mà là bước đi "hào phóng". Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nhấn mạnh, Washington không có kế hoạch gửi quân đến Gaza hoặc tài trợ tái thiết Gaza, chính quyền Mỹ mới đang thảo luận với các đối tác ở Trung Đông về ý tưởng tái thiết Dải Gaza.

Rõ ràng, ý tưởng “dọn trống” Gaza dù vì mục đích gì cũng sẽ tạo ra những mâu thuẫn lớn, tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hiểm. Thay vào đó, mọi ý tưởng vì một nền hòa bình và sự thịnh vượng ở Dải Gaza cần được cân nhắc cẩn trọng, hài hòa và tuyệt đối không được coi nhẹ lịch sử, văn hóa lâu đời của người Palestine.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di dời người Palestine khỏi Gaza: Kịch bản nhiều hệ lụy nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.