Ông nội tôi lập di chúc từ năm 2008 (có thực hiện thủ tục công chứng theo quy định pháp luật). Nay ông tôi muốn sửa đổi và hủy bỏ một phần nội dung di chúc có được không? Nếu được thì có phải yêu cầu đúng công chứng viên trước đây thực hiện thủ tục công chứng lại hay không?
Đỗ Văn Hà
Thạc sỹ, luật gia Lê Việt Nga
(Công ty Luật Số 5 Quốc gia, ĐT: 04.37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Theo quy định tại Điều 633, Điều 646, Điều 667 Bộ luật Dân sự hiện hành (Bộ luật Dân sự năm 2005), di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Điều 662 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào; trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật; trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ".
Khoản 3, Điều 48 Luật Công chứng quy định: "Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trong trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đó biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc".
Như vậy, khi ông nội của bạn Đỗ Văn Hà còn sống thì di chúc lập năm 2008 chưa có hiệu lực và ông của bạn có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Việc sửa đổi, hủy bỏ một phần nội dung di chúc không bắt buộc phải yêu cầu đúng công chứng viên trước đây đã thực hiện thủ tục công chứng di chúc tiến hành công chứng lại, mà có thể yêu cầu bất kỳ công chức viên nào thực hiện thủ tục công chứng. Tuy nhiên, để bảo đảm điều kiện pháp lý của di chúc, việc sửa đổi, bổ sung di chúc phải tuân thủ đầy đủ quy định về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc và công chứng di chúc như đã nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.