(HNM) - Tôi được biết, bố mẹ tôi cùng lập di chúc cho tôi và người em út (gia đình tôi có bốn chị em) thửa đất là tài sản chung của bố mẹ. Sau thời điểm lập di chúc 2 năm thì bố tôi mất. Đề nghị luật sư cho biết, bản di chúc này có hợp pháp hay không? Chúng tôi có thể đề nghị mẹ của mình thực hiện nội dung di chúc?
Đinh Thị Chanh
Luật sư Vũ Thái Hà (Công ty Luật TNHH YouMe, website: www.youmevietnam.com trả lời:
- Theo quy định tại các điều 649, 650, 652, 656, 663, 668 của Bộ luật Dân sự hiện hành (Bộ luật Dân sự năm 2005), di chúc được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản có thể bao gồm di chúc không có người làm chứng; di chúc có người làm chứng; di chúc có công chứng; di chúc có chứng thực. Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Đồng thời với các điều kiện trên, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Nếu di chúc của bố mẹ bà Đinh Thị Chanh đáp ứng các quy định nói trên thì có thể được coi là hợp pháp. Do di chúc được bố mẹ bà cùng lập nên được coi là di chúc chung của vợ, chồng (quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự). Di chúc chung của vợ, chồng chỉ có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết (quy định tại Điều 688 Bộ luật Dân sự), vì vậy, bà và người em út chưa thể đề nghị mẹ của mình thực hiện di chúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.