(HNM) - Thành phố có nhiều thứ chợ. Người sung túc đi siêu thị, đến các “sốp” hàng hiệu. Người chả rủng rỉnh lai vãng đến các chợ đồ cũ, nơi bán hàng cũ - tất nhiên, hàng nhái, gọi chung là “đồ tầm tầm”. “Vãng cảnh” trong hệ thống chợ này, không phải là không có nhiều chuyện hay...
(HNM) - Thành phố có nhiều thứ chợ. Người sung túc đi siêu thị, đến các “sốp” hàng hiệu. Người chả rủng rỉnh lai vãng đến các chợ đồ cũ, nơi bán hàng cũ- tất nhiên, hàng nhái, gọi chung là “đồ tầm tầm”. “Vãng cảnh” trong hệ thống chợ này, không phải là không có nhiều chuyện hay...
Chợ xe máy trước họp ở Phùng Hưng, sau chuyển về Dịch Vọng - Cầu Giấy. Chợ được họp dưới mái che, thuận tiện cho cả người mua bán lẫn cấp quản lý. Khi Nhà nước còn chủ trương hạn chế đăng ký xe máy ở hai thành phố lớn nhất nước, từ tinh mơ, ở đây đã đông nghịt. Khách lượn quanh mọi cửa hàng, hỏi mua xe biển Hà Nội, chủ nhà trả lời không kịp, đến là mệt. Thế mà giờ, khi tôi đến, đã giữa trưa, khách lèo tèo lắm. Một anh tên là Thành, nhà ở Nguyễn Lương Bằng ngán ngẩm: “Hôm nào “đẩy” được dăm ba chiếc là tốt rồi, có khi chỉ mỗi...”.
Thấy tôi la cà, hỏi giá cả, tình hình buôn may bán đắt... một ông rất tinh: “Chú hỏi để viết báo hả ? Chán lắm. Khách đến rồi lại đi, có khi chả ra được giá nào!”. Nói rồi rít thuốc lào, uống chè vã, xong ra cầm cái khăn phẩy phẩy cho xe khỏi bụi.
Anh Vũ Quốc Khánh, chủ cửa hàng toàn xe cub, 82, 90 nói: “Người ta cứ tưởng buôn bán xe cũ là lãi lắm. Đấy, từ chiều qua anh mới bán được “con” 82 này. Chỉ ăn hai trăm thôi, không dầy quá được. Đấy là chưa kể công rửa, lau bóng, thay dây phanh trước”. Giá xe ở cửa hàng anh Khánh thường từ 5 đến 12 triệu tùy vào chất lượng, nhỉnh hơn hàng khác vì toàn đời nồi đồng cối đá. Khách vừa mua chiếc 82 là Nguyễn Văn Minh, người Hoài Đức, Hà Tây hồ hởi: “Tiền ít, 6,2 triệu đồng để chạy chợ là được rồi. Chỉ cần máy khỏe, chứ đi làm, đi học mới cần dáng đẹp”.
Lân la tìm hiểu, tôi thấy việc mua bán thật đơn giản. Thỏa thuận giá cả xong, chủ hàng chỉ viết biên nhận, trao giấy tờ xe cho khách là xong. Biển Hà Nội thì một chiếc Wave quãng 12-13,5 triệu, Sirius 19-20 triệu, Jupiter 23-25 triệu. Xe tay ga “tương đối”, có giấy tờ, biển đầy đủ giá gần bằng trong cửa hàng xe mới. Wave, Sirus dáng thư sinh, học sinh, sinh viên rất thích, hợp túi tiền. Giá càng cao càng khó bán, dù chiếc nào cũng được tân trang lại. Còn chất lượng, đa phần người đến đây cho rằng phải chấp nhận rủi may, do “duyên số”. Xe cũ có thể do người muốn “nâng đời” xe, lại có thể hỏng, gây tai nạn rồi... Nhờ thợ đi mua, nghe tiếng máy họ biết mà chọn thì yên tâm hơn, chứ “tay mơ” cứ thấy tút lại bóng líu thì chả biết đằng nào mà lần. Một anh thợ đến đây nhiều lần bảo đa phần xe không đồng bộ về linh kiện, số trên công tơ mét rút xuống, các mối hàn, chỗ sơn lại đều mài dũa cẩn thận, đánh bóng, thật khó phát hiện. Mà chả ai cho phép người mua tháo ra xem.
Mua xe cũ vậy là may hơn khôn, đi vài tháng mới hay mình “hên” hay xui. Nhưng được cái nó rẻ, nên chợ xe cũ mới tồn tại được.
Phố Thịnh Yên không dài nhưng đồ cũ thì vô kể, hầu như cái gì cũng có. Khi vắng công an, xe đạp bày ra cả lòng đường. Giá nói chung là rẻ, Thống Nhất, Viha... khá mới chỉ 2-3 trăm nghìn, có chiếc dưới trăm nghìn. Khung xe cũ thường tốt hơn xe mới, nhiều người mua về lắp phụ tùng xịn, sơn lại đi “ngon” hơn nhiều. Vì vậy chợ Trời nhiều biển nhỏ “Tại đây mua bán xe đạp cũ - mới”. Xe đạp cũ rẻ vì nó nhiều quá, nhà đã có xe máy, xe đạp điện nên tống tháo đi. Người buôn cũng không được bao nhiêu lãi. “Thủ tục” càng đơn giản, trao tiền là nhảy lên đi luôn được, chả cần quan tâm nguồn gốc thế nào. Cái người mua cần là độ mới cũ, giá cả, phanh ăn, đạp nhẹ. Người bán ít nói thách, có giảm cũng không đáng kể. Một chủ hàng thấy tôi lân la bảo: “Cậu mua loại bao nhiêu tiền? Liên doanh mới thì 350 nghìn, Nhật thì 800-900 nghìn”, kể cũng khó phân biệt thật, và cũng có độ rủi ro.
Chợ Trời Thịnh Yên cơ man nào là đồ điện tử, chủng loại cũng cơ man. Đài, đầu đĩa VCD, tivi..., rẻ gấp vài lần ngoài cửa hàng mới. Tiền nào của nấy, có thể tậu chiếc đài chỉ mấy chục, nhưng ti vi màu xịn thì tiền triệu. Khách mua đa phần là sinh viên, học sinh, những người không lắm tiền. Đĩa, băng hình trong luồng ngoài luồng có cả, và xuất hiện tùy thời điểm. Có công an ư, “bây giờ ai kinh doanh đồ lậu ấy, để bị bắt mà chết à!”. Vắng anh áo vàng, thử hỏi đĩa sex, người chủ lại đon đả: “Có đấy em ạ. Thích “nặng” hay “nhẹ”, Âu hay á?”. Thấy người mua là học sinh, chị ta bảo cho ngay vào cặp đi. Aikhông có túi đựng thì không bán, sợ “ra ngoài kia bị tóm”. Dù nhà chức trách đã có nhiều biện pháp truy quét, tiêu hủy văn hóa phẩm lậu, đến đây vẫn thấy chưa ăn thua là mấy. Số lượng lớn, rẻ, lại được cất giấu tinh vi, thành thử chúng vẫn tồn tại, lưu thông được.
Cuối cùng là thị trường sách cũ, chủ yếu trên đường Láng, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, những chỗ gần các trường đại học, cao đẳng. Có thể “cũ”, nhưng lại có thể là “lậu”, nghĩa là in thêm, nối bản mà Nhà nước không thể thu được thuế. Có những cuốn chả cũ chút nào mà chỉ bán bằng 50-70% giá bìa. Đối với sinh viên, học sinh trường dậy nghề thì chỉ cần rẻ là đủ. Sách lậu in không rõ, có khi nhòe nhoẹt nhưng đọc được là quá đủ rồi, còn hơn mua đường “chính thức” thì vừa nhiều (chao ôi là “sách tham khảo”) vừa đắt. Sinh viên cần nhiều kiến thức để học, để tham khảo vào cuộc sống, và họ mong biết bao nhiêu Hà Nội có một phố, hay chợ riêng toàn sách cũ, để có thể đến mà mua cái mình đang cần, ngay cả bán cái mình không còn cần đến nữa.
Chợ đồ cũ là như thế, sinh ra để cho kẻ khó là chính. Đã có chợ là có kẻ mua người bán. Chắc rằng dù văn minh, giàu có lên, thành phố vẫn cần loại chợ này, thứ mà ở những đô thị lớn trên thế giới đâu cũng có, và đâu đâu cũng cần quản lý cho nó bớt những mặt tiêu cực đi.
Nông Văn Lập
- - - - - - - - - - - -
Cùng bạn viết
Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ có những chuyện trong quá khứ. Trong thời gian tới, đề tài ưu tiên của chúng tôi là thời chúng ta đang sống; những con người, sư kiện, công trình mới... để nói lên sức sống của thành phố hôm nay.
Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn
Phông chữ VnArial
B.T.C
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.