(HNMO) - Sản xuất ngành dệt may hiện là lĩnh vực mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cân bằng cán cân thương mại của cả nước.
Xuất khẩu dệt may do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm ưu thế do doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam có nhiều lợi thế hơn về công nghệ, khách hàng đa dạng, và lợi thế lớn nhất của họ là vay được vốn rẻ từ chính quốc.
Tuy nhiên, ngoài các khó khăn chung của các doanh nghiệp công nghiệp, các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với việc tranh chấp về mua bán bông giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Hoa Kỳ (thuộc Hiệp hội Bông quốc tế) và việc ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu có thể bị hủy bỏ.
Một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang định hướng phát triển các doanh nghiệp thành nhà sản xuất hàng may mặc lớn trong nước, các nhà bán buôn, bán lẻ có thể đặt mua hàng may sẵn (hoặc đặt sản xuất theo mẫu của họ) tại các nhà máy của công ty trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.