Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đền vua Đinh và lễ hội Trường Yên

ANHTHU| 31/05/2007 09:51

(HNM) - Ai là con cháu Rồng Tiên, Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về. Câu ca dao lưu truyền trong dân gian càng cho chúng ta thấy sự thống nhất trong tâm thức của người dân đất Việt về dòng giống con Lạc cháu Hồng và công lao to lớn của Đinh Bộ Lĩnh trong việc thống nhất đất nước, xây nền móng cho quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ, hùng mạnh.

(HNM) - Ai là con cháu Rồng Tiên,

Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về.

Câu ca dao lưu truyền trong dân gian càng cho chúng ta thấy sự thống nhất trong tâm thức của người dân đất Việt về dòng giống con Lạc cháu Hồng và công lao to lớn của Đinh Bộ Lĩnh trong việc thống nhất đất nước, xây nền móng cho quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ, hùng mạnh. Ghi nhớ công lao của vua Đinh Tiên Hoàng, hàng năm, vào ngày mồng 10-3 âm lịch, nhân dân Trường Yên mở lễ hội long trọng thu hút khách muôn phương về đền vua Đinh và xã Trường Yên.

Theo truyền thuyết, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nhân dân đã xây dựng hai ngôi đền thờ vua Đinh, vua Lê. Trảibao cuộc binh đao, hai ngôi đền không còn nữa. Năm 1600, lễ quận công Bùi Thời Trung đứng ra xây lại hai ngôi đền như cũ. Năm 1676, dân Trường Yên trùng tu lớn cả hai đền; đến năm Thành Thái thứ 10 (1898), cụ Dương Đức Vĩnh và nhân dân Trường Yên sửa đền vua Đinh, nâng cao đền bằng tảng đá có bồng và vẫn giữ dược đến ngày nay.

Đền vua Đinh được kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc: ngoài cùng là Ngọ môn quan. Đi theo đường chính đạo, qua hai cột đồng trụ là sân rồng; ở giữa sân có long sàng bằng đá. Đây là một công trình nghệ thuật đặc sắc của thế kỷ XVII. Hai bên long sàng cóđôi nghê và đôi rồng chầu bằng đá xanh nguyên khối. Trên mặt long sàng, con rồng được nghệ nhân tài hoa chạm trổ những đường nét tinh tế mềm mại, làm cho con rồng hết sức sống động, vừa tượng trưng cho uy quyền của nhà vua, vừa tượng trưng cho thần linh vũ trụ, ban phúc lành no ấm, mùa màng tốt tươi. Quanh diềm long sàng, các chú cua, cá, tôm bơi lội tung tăng thể hiện ý tưởng dân dã, phóng khoáng của nghệ sĩ dân gian.

Đền vua Đinh có ba toà: Bái đường, Thiên hương, Chính cung. Giữa bái đường là bức hoành phi với ba chữ lớn: “Chính thống thủy” (mở nền chính thống), hai bên có hai câu đối đề cao lòng tự hào tự tôn dân tộc:

Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo.

Hoa Lư đô thị Hán Tràng An.

(Dịch nghĩa: Nước Đại Cồ Việt sánh ngang niên hiệu Khai Bảo của nhà Tống/Kinh đô Hoa Lư như kinh đô Tràng An của nhà Hán) .

Tòa Thiên hương thờ các vị công thần của nhà Đinh vẫn giữ được nhang án đẹp mang nét chạm trổ của thế kỷ XVII.

Chính cung thờ vua Đinh và các hoàng tử - bên trái vua là Đinh Liễn, bên phải là Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn. Hai bên bệ thờ vua có hai con rồng chầu bằng đá bán thân, nhưng nét đặc biệt là ở nơi thâm nghiêm này, nghệ nhân đã tạc con rồng bên phải có cá ché
p đang bú; con rồng bên trái có cá trắm đang đớp con tôm, hết sức sinh động. Hơi thở của cuộc sống đi vào chốn linh thiêng, hòa quyện với nhau, đã tạo nên tuyệt tác trong kiến trúc nghệ thuật của đền vua Đinh như cảnh các cô tiên đang cưỡi rồng, thắt lưng bay theo gió, một tay ôm cổ rồng, tay kia đang như múa được chạm gỗ trên diềm bên trái cửa đền; hay cảnh người đàn ông khỏe mạnh đang săn thú trên bức cốn bên trái nghi môn nội vô cùng sống động. Nghệ nhân như thăng hoa khi kết hợp chạm nổi và chạm lộng, tạo nên đàn rồng bơi trong mây trên ván bưng chạy dài suốt xà lòng hậu cung đền. Ngoài những tuyệt tác trên gỗ, chúng ta còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm khắc trên đá, thể hiện ở hình tứ linh, tứ quý, lưỡng long chầu nguyệt… trên các tảng đá cổ bồng ở cả ngưỡng cửa. Đền vua Đinh là công trình nghệ thuật đặc sắc trong quần thể lịch sử - văn hóa của cố đô Hoa Lư với hàng nghìn cổ vật quý hiếm đang được bảo tồn, như gạch xây cung điện có khắc chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký

Về thăm đền vua Đinh và dự lễ hội Trường Yên, chúng ta sẽ được đắm hồn vào không khí linh thiêng và đầy màu sắc huyền thoại.

Mở đầu lễ hội là lễ rước nước từ sông Hoàng Long về tế ở đền vua Đinh. Trong khi đó, một đoànrước con rồng lớn từ bên kia sông bơi sang bên này sông tượng trưng cho rồng vàng chở Đinh Bộ Lĩnh sang sông. Bảy làng (Yên Thượng, Yên Trung, Yên Hạ, Yên Thành, Yên Trạch, Chi Phong, Lạc Hối) vào đền vua Đinh tế tiệc, tế nghi, tế cửu khúc ca ngợi vua Đinh mở nềnthái bình thịnh trị cho nước Đại Cồ Việt. Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn diễn trò Cờ lau tập trận của 60 em 13-15 tuổi. Em khôi ngô nhất được chọn đóngĐinh Bộ Lĩnh, đội mũ bình thiên bằng rơm, tay cầm bông lau có tán vàng làm bằng lá chuối, tán tía làm bằng vải đỏ. Quân Thung Lau, Thung Lá có chiêng, trống cái, thanh la, đứng hai bên múa hát đối đáp và diễn canh vua Đinh cầm cờ lau tập trận, thể hiện ý chí của Đinh Bộ Lĩnh và ba quân.

Màn diễn xếp chữ Thái bình để tưởng nhớ niên hiệu mà vua Đinh đặt khi lên ngôi cũng rất sinh động. 120 em mặc áo tứ thân màu xanh, tay cầm cờ, theo nhịp trống giục 3 tiếng một mà chạy kéo chữ. Hàng thứ nhất kéo chữ Thái, chạy vòng lên phía trước kéo xuống thành nét “thanh”, rồi lại vòng lên phía tay trái kéo xuống thành nét “mác”, cuối cùng chạy vòng lên phía tay phải kéo xuống tạo thành nét “chấm”. Vậy là thành chữ “Thái”. Trong khi đó, ở hàng thứ 2, các em chạy và kéo chữ “Bình”. Cả hai hàng hạ cờ làm nổi rõ hai chữ “Thái bình” rất đẹp.

Suốt ba ngày đêm, các thôn của Trường Yên và đền vua Đinh - vua Lê tưng bừng trong lễ hội với các trò chơi dân gian: thi vật, thi bơi chải, thi thổi cơm, múa võ, múa khiên,múa quyền, cờ người, cờ bỏi…

Ngoài khu di tích cố đô Hoa Lư và xã Trường Yên , Đinh Tiên Hoàng còn được thờ ở nhiều nơi của huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn; trong đó có đền Văn Bòng xã Gia Phương ghi dấu ấn quê hương; đình Mỹ Hạ xã Gia Thủy và động Hoa Lư xã Gia Hưng ghi dấu ấn tuổi thơ tập trận cờ lau nuôi chí giúp nước của ông.

Từ Hoa Lư đến Thăng Long là cả một hành trình tất yếu của đất nước đang trên bước đường hình thành và phát triển, khẳng định nội lực của quốc gia độc lập, tự chủ ở thế kỷ X. Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước và Lê Hoàn nối nghiệp xuất sắc sự nghiệp của vua Đinh để lại, đó là nền tảng vững chắc cho Lý Công Uẩn kế nghiệp tiền nhân ngay tại Hoa Lư rồi từ đó mưu tính việc lớn cho muôn đời con cháu, dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long mùa thu năm Canh Tuất -1010.

Phạm Kim Thanh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đền vua Đinh và lễ hội Trường Yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.