(HNMO) - Đề cập đến một đề tài lạ, cuốn sách “Trò chơi của trẻ em Bắc Kỳ” của tác giả Ngô Quý Sơn được đánh giá là một công trình có giá trị về mặt tư liệu, giáo dục cũng như về phương pháp nghiên cứu.
Trẻ em không phải người tí hon, cũng không phải người lớn thu nhỏ, xã hội trẻ em có một đời sống riêng biệt, được điều tiết bởi các “quy định” ứng xử riêng. Nghiên cứu dân tộc học về trẻ em bởi thế hết sức quan trọng.
Nhận thấy một lượng lớn trò chơi của trẻ em chưa thành đối tượng của bất cứ nghiên cứu nào, năm 1943, tác giả Ngô Quý Sơn lần đầu cho ra mắt “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” viết bằng tiếng Pháp trên tập san của Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương.
Mới đây, cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” đã được dịch giả Phùng Hồng Minh chuyển ngữ, do Nhã Nam, Nhà Xuất bản Thế giới và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) phối hợp giới thiệu tới độc giả.
Trong cuốn sách, tác giả Ngô Quý Sơn đã đưa ra một hệ thống gần 100 trò chơi của trẻ em Bắc Bộ được phân loại chi tiết như: “Các trò chơi liên quan đến cơ thể”, “Các trò chơi dùng que”, “Các trò chơi dùng sỏi”, “Đánh đáo”, “Chơi diều”, “Các trò chơi may rủi và tìm kiếm”, “Các trò ma thuật”, “Các trò chơi dùng lời nói. Các bài đồng dao”…
Miêu tả chân thực kèm nhiều bức tranh minh họa sống động, chuyên khảo đầu tiên về trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ đưa độc giả đến với “thế giới giải trí” vô tư của trẻ em, để rồi qua đó, tiếp cận với những tập tục và truyền thống sinh hoạt của người Việt xưa theo một cách thức tự nhiên và lôi cuốn. Ngoài tính chất khảo cứu về mặt xã hội học, dân tộc học, “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” cũng là một cuốn sách bổ ích giúp độc giả ngày nay tìm lại những trò chơi đã bị lãng quên.
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định, cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” có giá trị tư liệu gốc về trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ, là cơ sở khoa học đáng tin cậy cho việc phục hồi, truyền bá và phát triển các trò chơi dân gian, qua đó giúp trẻ phát triển về cơ thể, ngôn từ, rèn luyện tính tập thể, sự dũng cảm, trung thực, cũng như được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, cuộc sống thời xưa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.