Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đền thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng

THUHANG| 27/11/2003 08:58

Bà Chiêu Hoàng tên húy là Phật Kim, sau đổi thành Thiên Hinh, con gái thứ của Lý Huệ Tông. Vua Huệ Tông không có con trai, lập Thiên Hinh làm hoàng thái tử để truyền ngôi. Bà là vị vua thứ 9 triều Lý và ở ngôi hai năm. Tháng 12 năm Ất Dậu, do sự sắp đặt khéo léo của Thái sư Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng.

Bà Chiêu Hoàng tên húy là Phật Kim, sau đổi thành Thiên Hinh, con gái thứ của Lý Huệ Tông. Vua Huệ Tông không có con trai, lập Thiên Hinh làm hoàng thái tử để truyền ngôi. Bà là vị vua thứ 9 triều Lý và ở ngôi hai năm. Tháng 12 năm Ất Dậu, do sự sắp đặt khéo léo của Thái sư Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng.

Sống vớivua Trần nhiều năm mà con cái muộn mằn, bà xin vua cho đi du ngoạn, đến chùa chiền lo giảng kinh thuyết pháp. Năm 1258, bà lấy Lê Phụ Trần, vị tướng tài danh, sinh một con trai, một con gái. Bà Chiêu Hoàng sống từ bi, quảng đại, đã giúp dân làng Yên Thành (huyện Vĩnh Thuận) thuộc kinh đô Thăng Long và làng Giao Tự (xã Kim Sơn, Gia Lâm) làm ăn sinh sống, bỏ tiền mở mang làng xã, phát chẩn cho dân nghèo. Bà qua đời năm 61 tuổi.

Tiếc thay, từ sau sự kiện nhường ngôi, vua Lý Chiêu Hoàng bị con cháu nhà Lý coi là “kém tài”. Ở Đình Bảng (Bắc Ninh) người ta chỉ thờ 8 vị vua Lý (Lý triều bát đế). Đền thờ bà được lập ở một nơi riêng ngoài rìa làng phía Nam. Bằng sự cảm thông và cái nhìn cởi mở, từ xưa tới nay, nhân dân ta đánh giá cao sự cống hiến của bà cho sự bình yên của đất nước. Bà được nhân dân một số nơi tôn vinh, thờ phụng.

Gần đây có dịp về “bên kia sông Đuống” chúng tôi biết thêm, ở thôn Thái Đường, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh có ngôi đình thờ bà Lý Chiêu Hoàng. Sử liệu ở làng cho thấy: Vào thời Lý, đất Thái Đường nằm ở bờ Bắc sông Đuống, tiện việc giao thương, các vua Lý đã lập một vườn hoa lớn tại đây, gọi là Hoa Lâm. Tại Hoa Lâm có lập Thái Đường ( ngôi nhà thờ lớn) để thờ thân mẫu Lý Công Uẩn. Bà là người họ Phạm, quê ở Thái Đường. Hàng năm, tôn thất nhà Lý đều tụ họp về đây tổ chức ngày giỗ Tổ.

Sau sự kiện Trần ThủĐộ cho “sập bẫy” ở Hoa Lâm, người Thái Đường có lập ban thờ trên nấm mồ chung của tôn thất nhà Lý. Lý Chiêu Hoàng được tôn làm thành hoàng làng.

Đến thời Thành Thái (1889-1907) vì kiêng húy, Thái Đường đổi gọi là Thái Bình. Đình Thái Bình thờ bà được khởi dựng từ lâu đời. Dấu tích ngôi đình hiện nay được dựng vào năm Ất Tỵ (1905). Đình có 5 gian 2 dĩ, các cột cái, cột quân bằng gỗ lim một vòng tay ôm không hết. Ở các đầu dư chạm rồng ổ, rồng chầu. Ở gian giữa, trước hậu cung có bộ “ván thượng” dân gian quen gọi là “màn giếng” trang trí rất cầu kỳ. Ở hàng trăm các ngôi đình phía Bắc, hiện chỉ có một hai nơi có bộ ván thượng này. Hiện nay, ở hậu cung đình Thái Bình, trên ban thờ đặt ba pho tượng, ở chính giữa là tượng vua bà Lý Chiêu Hoàng; hai bên là tượng Trần Thủ Độ và Trần Cảnh. Ba pho tượng này của ông bà Bẩy (ở phố Hàng Chiều) công đức năm 1980.

Giải thích vì sao có sự đổi mới trong việc thờ phụng này, một vị cao tuổi ở làng cho biết: “Dân ta vốn trọng sự đoàn kết, biết đặt quyền lợi tối cao của dân tộc lên trên hết. Thờ như vậy sẽ xóa đi nỗi thù hận của hai triều Lý - Trần”. Đình Thái Bình đã được Bộ Văn hóa - thông tin ra quyết định xếp hạng bảo tồn ngày 8-2-1992.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.