(HNMCT) - Đền Tam Kỳ (hay đền Hạ), tên chữ là “Hiệp Thuận linh từ”, nằm trên vùng đất của thôn Hiệp Thuận (xã Ỷ La, tổng Trung Môn, huyện Phúc Yên, phủ Yên Bình xưa), nay thuộc phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang.
Được xây dựng năm 1738, đền Tam Kỳ là nơi thờ Mẫu Thượng ngàn - Phương Dung công chúa, con gái vua Hùng. Đến nay, đền còn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Mặt chính của đền quay về hướng đông, nhìn thẳng ra dòng sông Lô lịch sử. Tại cổng đền có đôi liễn mang nội dung: “Lô giang tại kỳ tiền, La sơn tại kỳ hậu/ Nguy nga thiên cổ miễu, Quốc tộ phúc tâm dân”, nghĩa là: “Phía trước là sông Lô, phía sau là núi La/ Ngôi đền cổ nguy nga, đất nước vững vàng do lòng dân”.
Phía trước đền là sân chầu với hệ thống cổng phụ gồm 4 trụ, trên mỗi trụ đều đắp nổi hình phượng vô cùng tinh xảo. Trên mái đền và các đình đao là các hình “lưỡng long chầu nguyệt” cũng được đắp nổi cùng 4 chữ: “Hiệp Thuận linh từ” khẳng định sự linh thiêng của ngôi đền. Bên trong là gian thờ chính được bố trí hình chữ "tam" gồm 3 cung, mỗi cung đặt một bộ đỉnh trước bệ thờ, cạnh đó là chuông và khánh. Đặc biệt, hệ thống cột kèo, cửa võng thượng lương của đền Tam Kỳ được chạm trổ tinh xảo với đề tài tứ linh, tứ quý. Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều bảo vật lâu đời như chuông đồng, khánh, 3 pho tượng cổ cùng 20 đạo sắc phong thời Lê ca ngợi công đức của các vị Thánh mẫu đã phù trợ cho nhân dân và đất nước.
Trải qua thăng trầm lịch sử, đền Tam Kỳ vẫn sừng sững uy nghiêm. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ và động viên các chiến sĩ tự vệ thành Tuyên tham gia trận địa lôi Cây số 7 lịch sử năm 1947. Với những giá trị văn hóa - lịch sử, năm 1994, đền Tam Kỳ được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Lễ hội đền Tam Kỳ được tổ chức hằng năm từ ngày 11 đến 16 tháng Hai với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ rước chị em Phương Dung công chúa và Ngọc Lân công chúa về đền Hạ cùng các lễ tế nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và bình an cho mọi người. Trong lễ rước còn có múa lân, cờ trống và phường bát âm biểu diễn khiến cho không khí lễ hội càng thêm náo nhiệt, thu hút đông đảo người dân cùng du khách tham gia. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như chọi gà, ô ăn quan, tam cúc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.