(HNMCT) - “Quan Thánh” hay “Quán Thánh” mới là tên gọi đúng? Đền Quán Thánh là “quán” hay là “đền”? Ai là vị thần được thờ ở đền Quán Thánh? Vì sao trước những kỳ thi quan trọng, nhiều người đưa con em mình đến lễ bái ở đó?... Những câu hỏi ấy được giải đáp phần nào qua cuốn sách “Quán Thánh - Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội” (NXB Thế Giới và Tri Thức Trẻ Books liên kết xuất bản).
Trong đền Quán Thánh có thông tin quý giá được ghi khắc trên các bức hoành phi, câu đối, khánh đồng... nhưng cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào về tư liệu Hán Nôm được lưu giữ ở đây. Được phát triển từ luận văn cử nhân cách đây 22 năm của tác giả Nguyễn Đức Dũng (hiện là chuyên viên chính Cục Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cuốn sách “Quán Thánh - Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội” được Tiến sĩ Tô Lan (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) tổ chức bản thảo cùng sự đóng góp về mặt hình ảnh, chú thích, hiệu đính, quy đổi địa danh địa lý... của nhóm thực hiện bản thảo.
Điều làm nên sức hấp dẫn đầu tiên của cuốn sách là phần hình ảnh chân thật và chi tiết, khiến độc giả tò mò muốn biết những con chữ trong di tích đền Quán Thánh nói lên điều gì. Toàn bộ bản khắc Hán Nôm trên chất liệu đá, đồng, gỗ của 25 bài thơ, 15 hoành phi, 31 đôi câu đối, 6 bia đá, 1 khánh đồng, 1 biển đồng trong đền Quán Thánh đã được hệ thống lại.
Dưới mỗi một bức ảnh sống động về từng nét chạm khắc, thớ gỗ, vết nứt là phần văn tự gồm nguyên văn chữ Hán Nôm, phiên âm, dịch nghĩa và chú thích tỉ mỉ để độc giả có thể tiếp nhận một cách hứng thú. Còn bài tổng luận của cuốn sách thì bao quát lịch sử đền Quán Thánh, đồng thời hệ thống hóa di sản tư liệu Hán Nôm về nơi này, từ đó dẫn dắt người đọc tiếp cận tư liệu.
Theo tác giả Nguyễn Đức Dũng, tư liệu Hán Nôm đền Quán Thánh là hệ thống văn bản phong phú về thể loại, nội dung, hình thức, tập trung được một số lượng lớn các tác giả là những nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa... với nhiều phong cách khác nhau, trình độ sáng tác cao. Các văn bản này cung cấp thông tin vô cùng quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của bản thân di tích cũng như giá trị về văn học, lịch sử, địa lý... của Thăng Long xưa nói chung và vùng đất Tây Hồ nói riêng. Hệ thống văn bản khắc Hán Nôm ở đền Quán Thánh góp phần tạo nét đặc trưng, độc đáo của di tích lịch sử - văn hóa này.
Ra mắt ở dạng sách ảnh, cuốn sách “Quán Thánh - Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội” không chỉ cung cấp tư liệu về lịch sử, kiến trúc, tín ngưỡng mà còn mở ra hướng nghiên cứu về xuất bản sách ảnh để có thể chuyển tải thông tin về di sản tốt hơn. Hệ thống di tích của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng hết sức phong phú. Bởi vậy, rất cần những công trình như cuốn sách “Quán Thánh - Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội” để di sản của cha ông được nghiên cứu sâu hơn và được biết đến rộng rãi hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.