Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đền ơn đáp nghĩa là truyền thống đạo lý Việt Nam

Hànộimới| 27/07/2012 06:21

(HNM) - Tháng bảy, tháng tri ân các Anh hùng liệt sỹ! Tháng bảy, tháng đền ơn đáp nghĩa. Thêm một lần mỗi người dân Việt Nam ý thức rõ hơn trách nhiệm đối với đất nước, với thế hệ đi trước đã dâng hiến máu xương và tuổi thanh xuân cho khát vọng độc lập tự do của dân tộc.

Đất nước đã chấm dứt chiến tranh, nhưng còn biết bao vết thương vẫn chưa lành trên dải đất hình chữ S và trong mỗi gia đình Việt Nam. Những ngọn nến lung linh được thắp lên trên các ngôi mộ liệt sỹ suốt chiều dài đất nước, trên những dòng sông và cả trên biển Đông bạc sóng những ngày tháng bảy này không chỉ là một lời nhắc nhở về chủ quyền thiêng liêng mà còn để chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người dân đất Việt hôm nay với hàng nghìn liệt sỹ vẫn còn nằm lại dưới những cánh rừng, dưới lớp lớp sóng biển hay trong những ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên, với những mẹ già lưng còng đầu bạc chưa vợi nỗi nhớ con, với những người đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Máu đào của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ chuyển lại cho chúng ta". Độc lập, tự do hôm nay được dựng xây từ những đau thương mất mát, do vậy, tri ân, đền ơn đáp nghĩa các Anh hùng liệt sỹ chính là đạo lý, nghĩa cử cũng là trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Với truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Ngoài việc bố trí hàng chục nghìn tỷ đồng tiền ngân sách mỗi năm cho việc chăm sóc, tặng quà người có công, là những chính sách, chế độ và gần đây, Pháp lệnh Người có công đã được sửa đổi, bổ sung với việc mở rộng các ưu đãi đối với những người đã xả thân cho đất nước "nở hoa độc lập, kết quả tự do". Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng với việc xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng… Với sự chung tay góp sức của Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể và toàn dân, đến nay đã có 95% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung ở mỗi địa phương.

Cả nước có 8,8 triệu người có công, chiếm 10% dân số. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, những thành tựu trong công tác đền ơn đáp nghĩa là nỗ lực đáng ghi nhận của toàn xã hội, là sự tiếp nối, phát huy truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc.

Thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa luôn là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam. Để "hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ chuyển lại cho chúng ta", mỗi người hãy nỗ lực hơn nữa để góp phần bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc, góp sức xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Bởi đó chính là nguyện vọng lớn nhất mà lớp lớp cha anh gửi lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" phải được phát huy mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày bằng những suy nghĩ và việc làm cụ thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đền ơn đáp nghĩa là truyền thống đạo lý Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.