Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến năm 2020: Việt Nam sản xuất hơn 1 triệu lít sữa/năm

Minh Châu thực hiện| 19/10/2011 06:41

Vài năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng sữa tăng cao đã đưa ngành nuôi bò sữa trở thành một ngành có thu nhập khá. Mục tiêu chiến lược của ngành chăn nuôi Việt Nam là đến năm 2020 sản lượng sẽ đạt hơn 1 triệu tấn/năm, gấp 3 lần so với năm 2011.


- Việt Nam có 4 khu vực có khả năng phát triển nuôi bò sữa hàng hóa là cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), Lâm Đồng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; theo ông Mộc Châu có vai trò gì trong việc góp phần vào tăng trưởng sản lượng sữa cả nước?


- Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng của ngành bò sữa nói riêng nhanh hơn ngành chăn nuôi nói chung. Năm 2008, Việt Nam có 100.000 bò sữa, sản lượng sữa đạt 200.000 tấn, đến năm 2015 mục tiêu là đàn bò đạt khoảng 300.000 con, sản lượng đạt 700.000 tấn. Đến năm 2020, dự kiến đàn bò sữa cả nước đạt 500.000 con, sản lượng sữa đạt hơn 1 triệu tấn. Riêng Mộc Châu, mấy năm trước chỉ có 4.000-5.000 bò sữa, sản lượng sữa 9.000-10.000 tấn, nhưng với quy hoạch phát triển vùng và việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào chăn nuôi (phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng KHKT: cấy phôi phân định giới tính, phối giống cho đàn bò bằng tinh phân định giới tính, kết quả đạt được bê cái chiếm tỷ lệ gần 90%) đã giúp tăng đàn nhanh. Năm 2011, đàn bò sữa Mộc Châu đã đạt gần 8.000 con. Mộc Châu đang thực hiện tốt chương trình phát triển mở rộng quy mô sản xuất theo hướng kết hợp giữa phát triển chăn nuôi hộ gia đình và trang trại tập trung với quy mô 500-1.000 con/trại. Kết quả cho thấy, mô hình trên đã phát huy tối đa hiệu quả về quản lý và phát triển. Với mô hình này, năm 2011 sản lượng sữa đạt 35.000 tấn. Trong kế hoạch 2015-2020, đàn bò sữa đạt 17.000 con vào năm 2015 và 30.000 con vào năm 2020, sản lượng sữa lên tới 150.000 tấn. Tất nhiên, đây là ý chí của công ty, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như giải phóng được đất đai, đồng cỏ, tối thiểu 10 bò sữa phải có 1 hécta đồng cỏ. Năm 2011, Mộc Châu đạt khoảng 35.000 tấn sữa/tổng lượng sữa 350.000 tấn cả nước (đóng góp 10%), nhưng đến 2015-2020 khu vực này sẽ đóng góp hơn 15% sản lượng sữa cả nước, góp phần lớn vào tăng trưởng ngành chăn nuôi nói chung, bò sữa nói riêng.

- Không đầy 10 năm, với mục tiêu hơn 1 triệu tấn sữa, gấp 3 hiện tại chứng tỏ ngành chăn nuôi phải rất nỗ lực. Vậy, biện pháp để thực hiện mục tiêu này là gì?

- Đến nay, ngành chăn nuôi trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu sữa, số còn lại phải nhập khẩu. Nhưng, mục tiêu đến năm 2020, con số này sẽ là hơn 50%. Trước hết, mục tiêu này dựa trên chiến lược phát triển chăn nuôi và trước đó là Quyết định 167 về phát triển bò sữa từ năm 2001. Ngành nông nghiệp đã nhận thức rõ vai trò của chăn nuôi bò sữa, nhưng đòi hỏi chăn nuôi bò sữa phải ứng dụng KHKT và việc này không thể nóng vội. Chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Bộ NN&PTNT tính kỹ, có chính sách khuyến khích các DN đầu tư lớn phát triển chăn nuôi. Nếu các DN thực hiện đúng kế hoạch, sau năm 2020 Việt Nam chỉ nhập một số nguyên liệu sữa, chăn nuôi trong nước sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng sữa.

- Bình quân tiêu thụ sữa ở Việt Nam mới đạt 14 lít/người/năm, kém xa so với các nước trên thế giới. Trong mục tiêu phát triển tầm vóc người Việt mới được Thủ tướng phê duyệt đã nhấn mạnh đến yêu cầu nâng chiều cao bình quân của người Việt thêm 4-5cm trong thập kỷ tới. Nâng chiều cao đồng nghĩa phải có sữa bổ sung từ giai đoạn trẻ học mầm non đến giai đoạn học đường. Vậy, ngành chăn nuôi sẽ đưa mức tiêu thụ sữa bình quân tăng lên bao nhiêu so với hiện tại để thực hiện mục tiêu trên?

- So với các nước châu Âu, lượng sữa tiêu dùng bình quân của người Việt Nam còn kém xa, do điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán chăn nuôi. Nhưng, nhờ những đầu tư kể trên của các DN, trong đó có Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, lượng sữa tiêu dùng bình quân ở Việt Nam đã vượt một số nước trong khu vực.

Có một cái khó là muốn nuôi bò sữa phải có đồng cỏ và thức ăn thô xanh bảo đảm tốt chế độ dinh dưỡng. Riêng ở Mộc Châu, với quỹ đất phục vụ cho nuôi bò sữa trung bình 10 bò sữa phải có 1 hécta đồng cỏ. Với quỹ đất này để xây dựng chuồng trại và trồng cỏ, ngô cây để sản xuất thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua phục vụ đàn bò… Những năm gần đây, Mộc Châu đã bổ sung thêm trong khẩu phần ăn cho đàn bò loại cỏ Alfalfa hàm lượng prôtein 18-21% nhập khẩu Mỹ... Do vậy, chất lượng đàn bò, chất lượng sữa tươi tại Mộc Châu đạt tiêu chuẩn cao về dinh dưỡng.

Xin cảm ơn ông!

Vòng chung kết hội thi Hoa hậu bò sữa năm 2011 đã diễn ra ngày 15-10 tại Mộc Châu, với sự tham gia của 106 bò sữa. Kết quả, bò của gia đình anh Đinh Văn Chỉnh đơn vị 70, thị trấn Nông trường Mộc Châu đã đoạt danh hiệu Hoa hậu với phần thưởng hơn 50 triệu đồng (gồm quà và tiền mặt). Mộc Châu là vùng nuôi bò sữa đầu tiên ở Việt Nam tổ chức hội thi hoa hậu bò sữa. Đây cũng là dịp để các hộ chăn nuôi trong vùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nuôi bò sữa cho năng suất cao, chất lượng sữa tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2020: Việt Nam sản xuất hơn 1 triệu lít sữa/năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.