(HNM) - Tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực giao thông cần có các giải pháp đồng bộ, do Cổng Thông tin điện tử chính phủ tổ chức chiều 14-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng một lần nữa khẳng định quan điểm về những giải pháp của ngành GTVT thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP là chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ (trừ dự án phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách; công trình, dự án trọng điểm quốc gia và dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chính thức ODA).
Thi công đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một dự án giao thông theo hình thức BOT.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngay cả khi Nghị quyết 11 chưa ban hành, trong năm 2011, nguồn vốn trái phiếu chính phủ dành cho giao thông đã giảm khoảng 50% so với nhu cầu. Theo kế hoạch, năm nay, ngành GTVT có thể giải ngân từ 20 nghìn tỷ đồng đến 25 nghìn tỷ đồng thì chỉ được bố trí 11 nghìn tỷ đồng. Như vậy, vấn đề đặt ra với ngành là triển khai thực hiện các dự án, sử dụng vốn thế nào cho hiệu quả. Trên cơ sở phân loại dự án, Bộ GTVT sẽ ưu tiên bố trí vốn cho những công trình có thể hoàn thành trong năm 2011 và phát huy ngay tác dụng về KT-XH. Xếp sau nhóm dự án trên là những dự án đang thực hiện thuận lợi, bảo đảm giải ngân tốt.
Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2001-2010 là khoảng 270 nghìn tỷ đồng, nhưng ngân sách chỉ bố trí được 112 nghìn tỷ đồng (khoảng 41% nhu cầu). Giai đoạn 2011-2015, ngành GTVT cần khoảng 559 nghìn tỷ đồng và dự kiến ngân sách sẽ chỉ đáp ứng khoảng 260 nghìn tỷ đồng. Theo nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm của nhiều quốc gia, việc trông chờ vào vốn ngân sách không thể đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng. Huy động mọi nguồn vốn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thông qua các hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO (xây dựng - khai thác - sở hữu), PPP (hợp tác nhà nước - tư nhân)… được xem là đặc biệt cần thiết. Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), hiện nay, Bộ đã và đang triển khai 26 dự án theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 128 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn chung các dự án BOT thành công đều có tổng mức đầu tư nhỏ.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, việc thu hồi vốn thực hiện các dự án BOT qua việc thu phí hiện gặp không ít khó khăn, bởi mức phí thấp, nhiều năm qua không tăng. Cần có cơ chế, khung pháp lý hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư như ưu tiên cho sử dụng quỹ đất có giá trị do công trình giao thông đem lại. Bên cạnh đó, cần có một quỹ đầu tư với những ưu đãi về lãi suất, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư để khuyến khích họ mạnh dạn bỏ vốn phát triển hạ tầng. Trước mắt, Bộ GTVT đang tăng cường các dự án BOT, phấn đấu để những dự án này chiếm khoảng 30-35% tổng mức đầu tư giao thông trong năm 2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.