(HNM) - Cao điểm mùa khô năm nay, dự báo mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thiếu đến 2 triệu kWh điện. Trong khi đó, với những khó khăn về giá, Nhà máy Điện Hiệp Phước đang cân nhắc việc dừng cung cấp điện ra thị trường khiến cho tình trạng thiếu điện càng căng thẳng hơn.
Việc cắt điện liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. |
Thiếu điện
Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC), trong mùa khô từ nay tới tháng 6, dự báo mỗi ngày TP sẽ tiêu thụ gần 51,9 triệu kWh điện, trong khi đó, lượng điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân bổ chỉ hơn 50,3 triệu kWh. Như vậy, trung bình mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thiếu gần 1,5 triệu kWh (2,82%). Trong đó, tháng 3 mỗi ngày thiếu khoảng 1,5 triệu kWh; tháng 4 và tháng 5 thiếu đến 2 triệu kWh (3,81%); tháng 6 thì bớt căng thẳng hơn, thiếu khoảng 350 nghìn kWh.
Trong khi đó, Nhà máy Điện Hiệp Phước, đơn vị đang cung cấp điện cho hơn 200 doanh nghiệp (DN) trong KCN Hiệp Phước, KCX Tân Thuận và hơn 7.000 hộ dân khu vực Nhà Bè, quận 7 cũng đang gặp khó. Theo Công ty TNHH Điện Hiệp Phước (HPPC), vì giá dầu thế giới tăng nên đơn vị này đang phải bán điện với giá lỗ. Hiện giá thành sản xuất điện của HPPC là 15 cen/kWh, trong khi đó giá bán ra thị trường theo quy định của Chính phủ chỉ khoảng 5 cent/kWh nên mỗi tháng HPPC lỗ 5 triệu USD. HPPC đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cung cấp khí gas để thay dầu nhằm giảm giá thành nhưng không được đáp ứng vì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng thiếu khí gas cung ứng ra thị trường. Vì vậy, HPPC đã đề xuất tăng giá điện lên gấp 3 lần so với giá hiện nay, nhưng đề nghị này đã bị các DN phản ứng. Các DN cũng lập luận rằng điện cho sản xuất phải cùng một giá, bất kể đó là nguồn điện từ đâu.
Giá điện do Chính phủ quyết định và thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, HPPC là nhà máy do DN xây dựng (ký hợp đồng cung cấp điện độc quyền 50 năm) để cung cấp điện cho khu vực này khi lưới điện quốc gia chưa phủ đến. Do HPPC không được bù lỗ như các nhà máy điện của EVN, vì vậy, đơn vị này cho biết nếu không được tăng giá thì từ ngày 1-4 tới sẽ ngừng cung cấp điện ra thị trường vì không thể chịu lỗ hơn nữa.
Hiện những vướng mắc của HPPC đã được UBND TP kiến nghị đến các bộ và Chính phủ đề nghị được tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ UBND TP và các ban, ngành về đề nghị tăng giá điện của HPPC.
Người dân và doanh nghiệp đều khổ
Nguồn điện tại TP đã thiếu và sẽ thiếu nhiều hơn nếu Nhà máy Điện Hiệp Phước ngừng hoạt động. Trong những ngày qua, trên địa bàn TP cũng bắt đầu bị cắt điện. Tuy nhiên, ngành điện cho biết cắt điện là để bảo trì, nâng cấp lưới điện chứ chưa phải cắt vì thiếu. Theo EVN HCMC, đơn vị này đã xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện trong điều kiện thiếu 2%, 4%, 6%, 8% và 10% công suất; và "hứa" là trong điều kiện vận hành bình thường sẽ không cúp điện quá 5 giờ trong một ngày và không quá 2 lần trong một tháng.
Theo tính toán của EVN HCMC, nếu dịch chuyển được lượng điện sử dụng trong giờ cao điểm sang giờ thấp điểm (từ 1 đến 7 giờ sáng) thì công suất tiêu thụ trong ngày sẽ không vượt quá công suất phân bổ, giảm được cắt điện vào giờ cao điểm. Vì vậy, DN nên chia sẻ khó khăn với ngành điện bằng cách chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất như tránh sản xuất giờ cao điểm hoặc điều chỉnh ngày làm việc sáng thứ bảy, chủ nhật. Ngoài ra, điện sinh hoạt đang chiếm gần 40% sản lượng điện của TP, tương đương khoảng gần 20 triệu kWh/ngày. Nếu các hộ dân tiết kiệm được 10% thì sẽ giảm được khoảng 2 triệu kWh/ngày và TP sẽ không phải cắt điện. Sở VH-TT&DL cũng vừa có văn bản yêu cầu các công ty quảng cáo cắt giảm 50% lượng điện tiêu thụ trên các panô, bảng hiệu, biển hiệu, hộp đèn, trụ đèn. Hệ thống đèn trong các bảng quảng cáo chỉ được chiếu sáng từ 18h30 đến 21h30 mỗi ngày…
Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3 thì việc điều chỉnh giờ sản xuất rất khó cho DN, vì phải kéo theo nhiều chính sách khác chứ không đơn thuần chỉ là chuyển giờ. Chính vì vậy mà công ty đã đầu tư máy phát điện để sử dụng trong những ngày cúp điện. Dẫu biết chạy máy phát điện rất tốn kém, vì chi phí tốn ít nhất là gấp đôi so với giá điện hiện hành, nhưng vẫn phải chấp nhận! Các DN khác cũng chuẩn bị đối phó với cúp điện bằng cách mua hoặc thuê máy phát điện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.