Chuyện: Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lại đang bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), lối thông thương chính. Chẳng hạn, trong ngày 27-1 chỉ có 142 xe hàng được làm thủ tục xuất sang Trung Quốc trong khi hằng ngày có hơn 300 xe tải, xe container nằm chờ.
Chuyện: Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lại đang bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), lối thông thương chính. Chẳng hạn, trong ngày 27-1 chỉ có 142 xe hàng được làm thủ tục xuất sang Trung Quốc trong khi hằng ngày có hơn 300 xe tải, xe container nằm chờ. Có ngày, xe hàng "ngủ" cả cây số trên đường vào cửa khẩu. Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết, từ ngày 26-1, Trung Quốc hạn chế nhập một số loại hàng rau quả, nên nhiều xe chở rau quả như dưa hấu, chôm chôm... bị ách lại. 5 ngày qua, dù Chi cục Hải quan Tân Thanh hoàn thành thủ tục xuất khẩu cho khoảng 400 xe/ngày, thì cũng chỉ 150-200 xe sang được khu vực bến bãi Pò Chài (Bằng Tường, Trung Quốc). Dự báo, tình hình ùn tắc sẽ còn tăng lên do số lượng nông sản từ các tỉnh miền Nam vẫn tiếp tục vận chuyển đến với số lượng lớn.
Thương lái sốt ruột thì người nông dân cũng buốt lòng vì hiện nay là mùa thu hoạch nhiều loại rau, trái cây, nhiều nhất là dưa hấu.
Tình trạng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị ùn tắc tại các cửa khẩu vào mùa thu hoạch diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Có nhiều nguyên nhân, song một trong những lý do là nhiều DN xuất khẩu, thương lái không nắm kịp thông tin về sự thay đổi quy định, thủ tục nhập hàng, đặc biệt là nhu cầu của thị trường. Tại thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4-2009, tình cảnh ách tắc như trên cũng diễn ra tại cửa khẩu này. Nhiều tấn dưa hấu, chuối, thanh long... xuất sang Trung Quốc đã phải đổ bỏ trong khi xe hàng vẫn nườm nượp kéo lên vùng biên mậu. Khi đó, nhiều mặt hàng không xuất khẩu được, dưa hấu chẳng hạn, bởi thu hoạch... trùng với thời điểm thu hoạch bên Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra: Cái giá của việc thông tin không đến được với DN kinh doanh nông sản nói riêng, người nông dân nói chung - tức là thông tin bị ách tắc ở một khâu nào đó, cơ quan quản lý hay dự báo - quả thật không nhỏ. Thật oái oăm, nó lại diễn ra hết năm này đến năm khác và cũng không chỉ xảy ra đối với mặt hàng nông sản hay người nông dân. Trớ trêu nhất là nông dân, DN và thương lái kêu cứ kêu... Cơ quan chức năng dường như đã không làm gì nhiều để thay đổi (hay có làm nhưng không hiệu quả)?
Dân biết
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.