Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đêm qua, tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình!”

Thi Thi| 17/07/2011 06:00

(HNM) - Từ Cần Thơ, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn hát qua điện thoại cho chúng tôi nghe ca khúc vừa phổ nhạc "Tổ quốc gọi tên" (thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai) với một niềm xúc cảm mạnh mẽ. Bài thơ được Quế Mai gửi đăng trên Hànộimới ngay khi chị viết xong ở Đức tháng 6-2011.



Rất nhiều ngày qua, không kể "Tổ quốc nhìn từ biển" của Nguyễn Việt Chiến đã quá nổi tiếng, được phổ nhạc, đang có không ít bài thơ, bản nhạc tiếp tục được lan truyền, vang lên… với tình cảm sâu nặng với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình!”

Đó là câu mở đầu trong bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai, tiếp tục được vang lên trong ca khúc của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn với giai điệu da diết, xúc động “Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/Bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá/Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới bủa vây”…

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong một chương trình giao lưu với khán giả.

Bài thơ “Tổ quốc gọi tên” được đăng trên Hànộimới ngày 26-6, sau đó tiếp tục được đăng tải trên báo mạng và các blog cá nhân. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn hiện đang là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kiêm Giám đốc chi nhánh phía Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã tình cờ đọc được và như ông nói “bản nhạc ra đời chỉ sau 10 phút”. Từ hai đất nước Việt Nam và Đức, hai nghệ sĩ vốn không quen biết đã gặp nhau trong một niềm xúc cảm chung: Tổ quốc!. Trong thư gửi Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn viết: “… Sau khi đọc bài thơ của chị, cảm xúc âm nhạc đến rất nhanh với tôi. Tôi phổ bài thơ trong 10 phút. Hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện về cấu trúc âm nhạc cho chặt chẽ. Đêm qua, trên piano, tiếng gọi Tổ quốc lại tràn về thật mãnh liệt… Chân thành cảm ơn chị rất nhiều, người con của đất mẹ Việt Nam, xa Tổ quốc thân thương nhưng luôn luôn nghĩ về Tổ quốc!”.

Với Hànộimới, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ: “Tôi chưa kịp thu âm ca khúc, nhưng đã hát chay cho bạn bè nghe, và nhiều người đã khóc! Họ hát với tôi “Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Mấy nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau!”

“Nghĩ về Tổ quốc” là điều có trong mỗi người Việt Nam, nhưng với trái tim nhạy cảm của văn nghệ sĩ, mỗi suy nghĩ dễ bật ra thành một dòng thơ, một giai điệu, có thể làm thành một làn sóng lan truyền, nhân lên mạnh mẽ trong cộng đồng. Ngay đầu tháng 7 vừa qua, từ Lâm Đồng, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã cũng gửi cho Hànộimới bài thơ “Tâm sự lính đảo Trường Sa”, cũng là gửi gắm tình cảm của đất liền với những người canh giữ biển đảo thiêng liêng của tổ quốc “Trường Sa cỏ mọc nên lời/xanh thêm Tổ quốc biển trời biên cương”.

Không chỉ những bài thơ mới, “Mẹ sinh nhiều con trai” - trích trường ca “Đất nước hình tia chớp” của Trần Mạnh Hảo viết ngay sau năm 1975 cũng được đăng tải, lan truyền trên blog của văn nghệ sĩ. “Con thương mẹ con thương đất nước/Áo vá vai như ruộng vá chân đồi/Mẹ mất ngủ suốt thời trận mạc/Đất nước là trán mẹ đẫm mồ hôi” - những câu thơ khiến bạn đọc không thể cầm nước mắt, “khóc ngay trước mặt con gái mình” - như một phản hồi đã viết. Rồi “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến viết năm 2009 được nhiều người yêu thích, sau đó cũng được nhạc sĩ Phạm Minh Thuận phổ nhạc và nay vẫn tiếp tục được lan truyền mạnh mẽ. Những câu thơ nói hộ biết bao người “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa”… “Biển tổ quốc chưa một ngày yên ả/Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”.

Rồi Y Phương với hình tượng “Tổ quốc mỏng mảnh như một sợi dây diều” nhưng “Chưa bao giờ để đứt/Không bao giờ để đứt”. Và nữa “Thư Trường Sa” của Tằng A Tài, vừa đăng trên Văn nghệ trẻ, rồi “Trường Sa hành” của nhà thơ Tô Thùy Yên...

Binh đoàn văn nghệ

Không ai có thể phủ nhận sức mạnh của văn nghệ trong suốt “mấy nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ” của dân tộc. Mỗi bài thơ, một ca khúc, một áng văn đều được ví tựa như một binh đoàn cùng ra trận. Tại Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khóa XI vừa qua, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Hội bày tỏ: “Một hoàn cảnh lịch sử mới đòi hỏi các văn nghệ sĩ có những tác phẩm đi vào lòng công chúng và giúp cho công chúng bày tỏ được khát khao, nguyện vọng của mình đối với quê hương, đất nước”.

Nhưng bày tỏ thế nào? Mỗi tác phẩm bao giờ cũng có dấu ấn, phong cách, tình cảm rất riêng của người nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ bao giờ chẳng nhạy cảm đến mong manh. Nhưng nói một điều đâu chỉ cho mình mà còn cho bao nhiêu người khác. Chính vì vậy, Nguyễn Việt Chiến đã trăn trở “Ngay câu thơ đầu tiên tôi đã phải cân nhắc rất kỹ… Ba chữ “bị xâm lăng” trong câu “Nếu Tổ quốc bị xâm lăng từ biển” có vẻ hơi nặng nề, nên tôi quyết định thay bằng “đang bão giông”. Cũng như vậy, Nguyễn Phan Quế Mai đã dùng những hình ảnh “bão tố rập rình”… để thay cho những từ ngữ trực diện trong bản thảo đầu tiên của “Tổ quốc gọi tên”. Và Đinh Trung Cẩn khi phổ bài thơ này tiếp tục hoàn thiện nó trong sự hài hòa giữa ngôn từ và âm nhạc…

Có thể nói, văn nghệ sĩ đã cùng cái tôi cảm xúc của mình hòa vào con đường đấu tranh chung của nhân dân, đất nước để bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Và chắc chắn, những bài thơ, ca khúc trên chỉ là những ví dụ trong rất nhiều tác phẩm khác đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đêm qua, tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.