Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng, lần lượt ở mức 4.680.000 đồng, 4.160.000 đồng, 3.640.000 đồng và 3.250.000 đồng một tháng.
Triển khai quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 20-5 đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương dự thảo Tờ trình và Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Tại dự thảo tờ trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Bộ đề nghị thời điểm quy định thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 1-7-2022 như Hội đồng tiền lương quốc gia đã khuyến nghị với Chính phủ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên dựa trên cơ sở tăng 5,3% để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và tăng thêm 0,7% để cải thiện tiền lương cho người lao động.
Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.
Về mức lương tối thiểu giờ, quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là loại hình lương tối thiểu được quy định mới nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.
Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Đây là cách xác định mức lương tối thiểu giờ được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia ILO khuyến nghị cho Việt Nam áp dụng.
Trước đó, ngày 12-4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.
Với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.