Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), thành phố nên phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những đô thị mới mà còn với khu vực tái thiết, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ, xây dựng tự phát ở khu vực nội đô.
Sáng 27-11, thảo luận tại Hội trường, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng: Luật Thủ đô phải đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn; phải có cơ chế khai thác những tiềm năng, lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài; phải quy định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của cả nước.
Ba yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể, mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô phát triển.
Thủ đô Hà Nội phải phát triển ở trình độ cao hơn, với tốc độ nhanh hơn, đi trước cả nước về mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là Thủ đô của nước phát triển có thu nhập cao.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
Với tinh thần đó, góp ý vào lĩnh vực xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, đại biểu nêu: Dự thảo Luật phải quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển Thủ đô hướng đến các tiêu chí "Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại" với yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước.
Các công trình kiến trúc, xây dựng Thủ đô phải mang ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử, tạo không gian để quy tụ những đặc trưng của các tỉnh, thành phố.
Với mô hình “Thành phố thuộc Thủ đô” thì toàn bộ không gian, kể cả những vùng nông nghiệp phát triển, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp trải nghiệm cũng cần phải được phép xây dựng các công trình dịch vụ du lịch.
Tương tự, không gian phát triển công nghiệp làng nghề cần được xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ, các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm để phát triển hoạt động du lịch.
Trên cơ sở những yêu cầu mang tính bao quát như trên, đại biểu cho rằng, ngay trong Luật Thủ đô, nên giao cho HĐND thành phố ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể phù hợp với Thủ đô trên nguyên tắc cao hơn tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của quốc gia. Đồng thời, giao UBND thành phố vận dụng các quy chuẩn đó vào quyết định các hoạt động quản lý, đầu tư phát triển cụ thể.
Ngoài ra, Luật không nên quy định quá chi tiết như khu nội đô lịch sử thuộc quận nào hoặc sông Hồng là trục xanh ra sao... bởi sẽ gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đại biểu lập luận, với quy định phân quyền và trao quyền như trên, nhiệm vụ và khối lượng công việc chính quyền thành phố phải thực hiện sẽ nhiều hơn, trách nhiệm giám sát phải cao hơn. Do vậy, cần có một mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn.
Người đứng đầu các cấp chính quyền đô thị phải có vai trò và có quyền tự quyết định nhiều hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn. Số lượng đại biểu HĐND phải nhiều hơn, phải tăng tỷ lệ chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp.
Đại biểu cũng góp ý về phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những đô thị mới mà còn với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ, xây dựng tự phát trong khu vực nội đô; khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ; không gian trên cao cho phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng.
“Do vậy, không nên dành tiền để xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh mà nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD khu vực nội đô”, đại biểu nêu.
Đại biểu cũng thể hiện sự đồng tình cao với đề xuất có hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao nhưng không theo cơ chế trước đây là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng mà thanh toán bằng tiền vốn đầu tư công.
Đại biểu thể hiện sự tâm đắc với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho phép Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vay 30 tỷ USD để làm đường sắt đô thị. Với cơ chế này, đại biểu hy vọng rằng, chúng ta sẽ có một ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Điểm cuối cùng, đại biểu đồng tình với việc để lại toàn bộ phần tiền thu từ đất cho thành phố, bởi thực chất, đây là thành phố đã thay mặt Trung ương sử dụng ngân sách này để hỗ trợ di chuyển trường đại học, bệnh viện ra ngoài trung tâm mà không cần chờ ngân sách Trung ương đầu tư, hỗ trợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.