Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể

Tuấn Việt - Hiền Thu - Ảnh: Viết Thành| 05/07/2022 17:05

(HNMO) - Chiều nay (5-7), 5 tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là công tác đầu tư công, phân cấp quản lý nhà nước, đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ, cụ thể trong 6 tháng cuối năm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến dự thảo luận tại tổ số 2.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến dự thảo luận tại tổ số 2; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền dự thảo luận tại tổ số 1; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương dự thảo luận tại tổ số 3; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà dự thảo luận tại tổ số 4; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên dự thảo luận tại tổ số 5.

Nhận diện những khâu còn yếu

Thảo luận tại các tổ, hầu hết đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của thành phố trong triển khai các nghị quyết của Trung ương và thành phố đã được xác định từ cuối năm 2021. Bên cạnh việc ghi nhận tổng thu ngân sách nhà nước tăng cao, các đại biểu đánh giá UBND thành phố đã tích cực chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Đại biểu Phạm Quí Tiên (tổ đại biểu huyện Thạch Thất) cho rằng, hoạt động du lịch được mở cửa, thương mại dịch vụ phục hồi mạnh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được trở lại trạng thái “gần như bình thường” giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng 6 tháng lên 7,79%. UBND thành phố và chính quyền các cấp đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, đại biểu HĐND thành phố đều đánh giá nỗ lực của hệ thống chính trị thành phố trong việc phối hợp chặt chẽ với các tỉnh hoàn thiện, trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; là tiền đề mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thành phố trong tương lai gần.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, các đại biểu cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, trong đó thống nhất rằng, cần phải nhận diện rõ điểm yếu để có giải pháp kịp thời.

Đại biểu Đường Hoài Nam (tổ đại biểu quận Long Biên) cho biết, khâu yếu hiện nay là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các đề án công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số còn chậm.

Ngoài ra, đại biểu các tổ cũng cho rằng, công tác quản lý chung cư tái định cư, quỹ nhà chuyên dùng thuộc quản lý nhà nước còn nhiều tồn tại; việc quản lý, vận hành các khu xử lý rác thải tập trung còn bất cập; tình trạng úng ngập cục bộ khi lượng mưa có cường độ lớn xảy ra ngày càng thường xuyên.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn dự thảo luận tại tổ số 1.

Đề xuất những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể

Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, UBND thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm để nâng cao tỷ lệ giải ngân. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (tổ đại biểu huyện Thường Tín) cho biết, huyện Thường Tín có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua, liên quan đến 10 xã với diện tích đất giải phóng mặt bằng lớn, trong đó, qua rà soát, có 112 hộ tái định cư. Đến nay, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo cho dự án này, phân công, phân cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân.

“Để thực hiện hiệu quả, huyện mong muốn trước ngày 15-7, chủ đầu tư dự án bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng qua địa bàn để huyện tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có việc vận động nhân dân di chuyển mộ vào thời điểm cuối năm”, đại biểu Nguyễn Tiến Minh cho biết thêm.

Liên quan đến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (tổ đại biểu quận Hà Đông) cũng cho biết, quận đang nỗ lực chuẩn bị các bước để phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng 5,7km cho dự án.

Theo nhiều đại biểu, công tác đấu giá sử dụng đất 6 tháng đầu năm 2022 chưa bảo đảm theo mục tiêu với nhiều nguyên nhân. Vừa qua, việc thành phố ủy quyền cho quận, huyện thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án 30 tỷ đồng đã là sự đổi mới.

Một số đại biểu các quận, huyện: Hà Đông, Phú Xuyên, Thường Tín, Mỹ Đức cho rằng, kết quả trúng đấu giá phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, vì thế, thời điểm duyệt giá sàn rất quan trọng để bảo đảm mức thu cao cho ngân sách. Các địa phương đề nghị, thời gian tới, UBND thành phố có sự chỉ đạo quyết liệt về nội dung liên quan đến thời điểm chốt giá sàn, bảo đảm hiệu quả đấu giá đất ở mức tối ưu.

Về lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, các đại biểu cũng nhận định còn thấp so với kế hoạch. Đề xuất giải pháp, đại biểu HĐND thành phố tại các tổ đại biểu Mỹ Đức, Phú Xuyên đề nghị thời gian tới, thành phố cần chú trọng phân bổ nguồn lực đối với những dự án đã đưa vào kế hoạch đầu tư công. Vì thủ tục giải ngân cho 1 dự án dài, gắn với hạ tầng đất nên quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, nếu không tập trung chỉ đạo quyết liệt thì khó có chuyển biến thực chất, hiệu quả.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) đề xuất, thành phố cần quan tâm, có giải pháp mạnh, thúc đẩy giải ngân nhanh các dự án dân sinh về thoát nước, rác thải… vì đây là những vấn đề thiết thực với đời sống người dân nhưng hiện tại tiến độ giải ngân rất chậm.

Đại biểu Lê Ngọc Anh (tổ đại biểu huyện Phú Xuyên) cho rằng, để đạt kết quả trong thực hiện đầu tư công, cần rà soát sớm các dự án chậm tiến độ, không có khả năng tiếp tục để thay thế bằng những dự án khả thi hơn.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Mạnh Quyền (tổ đại biểu quận Hà Đông) cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 thấp nhất so với mọi năm. Nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19, giá vật tư nguyên liệu đầu vào cao… nhưng cũng do công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị chưa kịp thời. Vì thế, thời gian tới, UBND thành phố sẽ quyết liệt trong lĩnh vực này, nếu đơn vị nào thực hiện vốn ngân sách của thành phố chậm thì cần xem xét năm sau không tiếp tục giao vốn.

“Tới đây, thành phố cũng cần tính toán toàn bộ các vấn đề liên quan phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Dự án nào không hoàn thành theo tiến độ thì phải xem xét lại trách nhiệm chủ đầu tư. Quan điểm của thành phố là chấn chỉnh để làm sao thông suốt trong cả hệ thống, giải quyết căn bệnh kinh niên trong chậm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công”, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.